Pháo sáng đã trở thành vấn nạn của bóng đá Việt Nam từ mùa giải này qua mùa giải khác, đã có rất nhiều án phạt được đưa ra, nhưng không mang tính răn đe, không đúng đối tượng nên chiều hướng vi phạm gia tăng và mức độ đã lên mức báo động khi gần đây nhất CĐV Nam Định sử dụng pháo dù để bắn vào CĐV đối phương ở khán đài đối diện.
Hãy xem xét tới các đối tượng trong những án phạt được đưa ra sau mỗi vụ pháo sáng:
CĐV chủ nhà: Hiếm khi có những hành vi như vậy, phần lớn là CĐV đội khách. Vì sao lại như vậy? Họ cố tình vi phạm vì nếu bị phạt thì BTC sân đối phương sẽ là người hứng chịu trực tiếp chứ không phải họ. Án phạt mà Ban kỷ luật VFF đưa ra sau buổi họp sáng 13/9: "cấm CĐV đội Nam Định đi sân khách" cũng giống như các vụ tiền lệ trước đây là một án phạt chẳng giống ai, chẳng nhắm vào ai. Ai có thể chứng minh CĐV đến sân là người Nam Định? Là CĐV của đội Nam Định? Nếu chỉ dựa vào áo đồng phục cổ vũ, hãy nhìn cách họ lách luật ở những lần trước: lộn trái áo rồi vào sân mới lộn phải hoặc vào sân mới mặc áo đồng phục. Ai có quyền kiểm soát? Án phạt này đẩy trách nhiệm và cái khó cho mỗi BTC sân của đội chủ nhà.
BTC sân đội chủ nhà: Nạn nhân chính mà các đối tượng vi phạm nhắm tới, lại thường gánh chịu hậu quả nặng nề nhất khi bị phạt tiền trực tiếp và "thất thu" trong vài trận sau vì bị treo sân. Đồng ý rằng việc không thể kiểm soát CĐV đem pháo sáng vào sân có một phần lỗi của BTC sân, nhưng nếu đối tượng vi phạm đã cố tình có ý đồ, họ sẽ có nhiều cách để luồn lách như giấu vào người phụ nữ, trẻ em đi cùng hoặc trong các thiết bị cổ vũ như cán cờ, trống... Đòi hỏi việc kiểm soát toàn diện, tuyệt đối với BTC sân là điều không tưởng ở Việt Nam, muốn đạt được như vậy chỉ có thể đầu tư để kiểm tra an ninh như tại sân bay, rất tốn kém cho chủ sân và phiền phức cho người hâm mộ chân chính.
BTC sân các đội khác: CĐV Nam Định đã "bị cấm" đi tới sân khách cổ vũ trong hai trận gặp Khánh Hòa và Sài Gòn, vô tình khiến hai sân bóng này "thất thu" khi họ chẳng có lỗi gì.
Vậy tại sao VFF không nhìn nhận thẳng vào vấn đề, phạt đúng đối tượng, chủ thể?
Nếu CĐV Nam Định gây rối tại sân khách:
- Mức án cảnh cáo đầu tiên: Treo sân Nam Định 3-5 trận, CĐV Nam Định sẽ trực tiếp lĩnh án phạt này khi không được vào sân cổ vũ đội nhà.
- Vi phạm lần 2: Trừ điểm trực tiếp vào CLB Nam Định.
- Vi phạm lần 3: Đánh xuống hạng.
- Vi phạm lần 4: Cấm tất cả các đội bóng Nam Định tham gia các giải bóng đá toàn quốc 3-5 năm.
Hãy lấy ví dụ điển hình về một án phạt có tính răn đe trên thế giới: Thảm họa Heysel năm 1985 tại Bỉ trong trận chung kết cúp châu Âu năm 1985, giữa Liverpool và Juventus. CĐV Liverpool đã làm sụp một bức tường, gây ra cái chết của 39 CĐV. Và án phạt đưa ra chỉ nhắm vào CĐV và CLB Liverpool? Câu trả lời là "không":
- Các câu lạc bộ bóng đá Anh bị một lệnh cấm vô thời hạn của Liên đoàn bóng đá châu Âu đối với việc tham gia bất kỳ một cuộc thi đấu nào của châu Âu.
- Lệnh cấm này được gỡ bỏ sau 5 năm, trừ Liverpool phải chịu thêm 3 năm (thực tế chỉ phải chịu thêm một năm). Và nền bóng đá xứ sở sương mù phải trả giá đắt hơn bằng sự lạc hậu không thể cứu vãn so với các cường quốc bóng đá trong khu vực.
Án phạt đó được đưa ra, không có chỗ cho những lời bào chữa theo kiểu "đó chỉ là một bộ phận nhỏ CĐV quá khích, vô văn hóa của Liverpool". Bù lại, sau đó, bóng đá Anh đã cải tổ công tác tổ chức một cách toàn diện để ngày nay, các sân bóng tại Anh hầu như không phải sử dụng hàng rào để ngăn CĐV với sân bóng, điều hiếm có nền bóng đá nào khác trên thế giới thực hiện được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.