Chúng ta xem bóng đá châu Âu, trung bình cứ mỗi 30 giây, bóng lại nằm trong khu vực cấm địa của một trong hai bên. Trong khi xem bóng đá Việt Nam và ĐNA, phần lớn là lối đá rề rà, chuyền bóng tới lui, đến được khu vực cấm địa nào đó cũng mất cả buổi. Khi người ta đua tốc độ, không phải chỉ người có bóng mới đua mà cả đội đều phải tăng tốc, tức là tuyến trên dâng lên thì tuyến dưới cũng dâng lên theo. Còn chúng ta, chỉ có mỗi tuyến trên đua tốc độ, tuyến dưới gần như ở nguyên vị trí. Khi mất bóng, người ta vẫn giữ cự ly đội hình để kèm người khu vực thì chúng ta do chỉ có một tuyến đua nên bị kéo dãn đội hình, tuyến trên phải chạy về khiến cho nhanh mất sức.
Cự ly đội hình không giữ được thì chuyền bóng quá nhẹ hay quá mạnh là đương nhiên. Người ta chạy nhanh, mình chạy chậm thì khi ta nhìn thấy khoảng trống định chuyền thì cũng đã bị họ lấp vào chỗ trống đó ngay. Đó là lý do chúng ta luôn có cảm giác cầu thủ Việt Nam hay chuyền sai địa chỉ. Đụng phải những đội đá rắn như Iran, Iraq, Uzbekistan, cầu thủ Việt liên tục chuyền hỏng vì họ chạy nhanh hơn ta.
>> 'Cầu thủ Việt kỹ thuật chẳng kém ai, chỉ thua mỗi thể lực'
Về kỹ thuật, nội cái kỹ thuật đơn giản nhất là dẫn bóng dọc biên, người ta chạy nhanh, bị cản phá vẫn xử lý, khống chế được bóng. Còn ta chạy nhanh bị cản phá là mất nhịp, mất bóng. Không phải cầu thủ Việt không biết dẫn bóng. Nhưng dẫn bóng ở tốc độ cao thì chuyện tưởng như đùa lại là thật. Phối hợp 2–3 cầu thủ của người ta là vừa chạy lên vừa ban bật, còn ta gần như đứng nguyên một chỗ mà chuyền bóng. Đỡ bóng, từ biên này lật sang biên kia người ta chỉ cần một nhịp, còn ta gần như không đỡ được quả chuyền bổng và dài ấy. Vừa chạy vừa chuyền khác với đứng một chỗ để chuyền. Cũng cái kỹ thuật cơ bản ấy, ở tốc độ chậm và tốc độ cao là hoàn toàn khác nhau. Nhiều người chỉ xem bóng đá "ao làng" để rồi tự hài lòng với thành tích và cho rằng kỹ thuật như thế là đủ xài.
Phê phán bóng đá Việt Nam là khi đội tuyển của ta đối đầu với các đối thủ có đẳng cấp cao hơn chứ loanh quanh mãi trong khu vực thì có gì để nói? Cái giỏi của ông Park là giỏi biến hóa chiến thuật, gần như bất bại với đối thủ ngang cơ. Cái giỏi ấy không giúp cho cầu thủ Việt nâng cao được tốc độ xử lý bóng. Đụng phải đội nào đó chỉ cần xếp trong top 10 châu lục là điểm yếu của chúng ta lộ ra ngay. Giữ được thành tích "ao làng" là chuyện nằm trong tầm tay của ông Park. Còn thành tích châu lục thì cho dù thuê HLV nổi tiếng thế giới cũng chưa chắc thắng. HLV giỏi chỉ giỏi điều binh khiển tướng, còn binh tướng ấy có phải là tinh binh hay không là nhiệm vụ của CLB.
>> 'Tiền đạo Việt thiếu sắc bén vì không thể đá hai chân như một'
Bóng sống hay bóng một chạm của người ta hầu hết là bóng bổng. Việt Nam chấp đội bạn khâu xử lý bóng bổng là do đâu? Không phải hoàn toàn là do chiều cao. Chiều cao chỉ có lợi thế khi tranh chấp bóng bổng. Nhiều cầu thủ thấp bé vẫn chơi bóng bổng thuộc hàng đẳng cấp. Xử lý bóng bổng là trước khi bóng đến chỗ của mình, phải quyết định sẽ làm gì sau khi chạm bóng (chuyền, sút, dẫn bóng). Cầu thủ Việt Nam không dự định trước được chuyện đó (chỉ xảy ra trong tích tắc). Khi bóng đến chân, chúng ta loay hoay mãi mới có hướng xử lý. Chơi với mấy đội khu vực thì còn chấp nhận được vì họ cũng như ta, còn chơi với đội đẳng cấp cao hơn thì họ sẽ không để cho ta có thời gian mà suy nghĩ. Chỉ cần chậm một nhịp thôi là cầm chắc mất bóng hoặc là cầu thủ sẽ chuyền bóng một cách thiếu tư duy chiến thuật, chỉ để khỏi bị mất bóng.
Ngày xưa, mỗi đội bóng đẳng cấp thế giới thường chỉ có 1-2 cầu thủ có tư duy chiến thuật. Những người này thường đeo băng đội trưởng hoặc chỉ huy một tuyến nào đó. Ngày nay, hầu hết cầu thủ đều có tư duy chiến thuật, bao gồm cả thủ môn. Phải có tư duy chiến thuật thì mới xử lý bóng sống được. Với lối đá rề rà ở Việt Nam và Đông Nam Á, cầu thủ nào cũng có tư duy chiến thuật tốt. Còn với tốc độ như giải Ngoại hạng Anh, hay cả các giải châu lục, có vẻ như chỉ còn mỗi Quang Hải đạt yêu cầu.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Người khôn ngoan một mình chỉ là khôn vặt'
>> 'Kỹ sư ngày nay không cần biết rộng, chỉ cần hiểu sâu'
>> 'Tuyển người làm việc trái ngành là gây lãng phí'
Làm thế nào để có tư duy chiến thuật? Đầu tiên là cầu thủ phải được thường xuyên ra sân. Thứ hai, hạn chế va chạm. Thứ ba, nếu va chạm là không thể tránh khỏi thì phải biết điều chỉnh ở tư thế nào để giảm thiểu khả năng bị chấn thương. Từ ba điểm trên mới dẫn đến điều thứ tư là biết xử lý bóng nhanh như thế nào? Bởi lẽ ba điểm đó là đã luyện cho cầu thủ có thói quen quan sát tình huống nhanh.
Như vậy, điều kiện đầu tiên là tiên quyết, bởi vì không phải ai cũng được gọi vào tuyển để thi đấu với nền bóng đá có đẳng cấp cao hơn mà mài dũa bản thân nên người ta tận dụng cơ hội ở các giải C1, C2. Còn ta, các cầu thủ U đã không có suất đá chính ở CLB, không có giải thi đấu riêng, đã thế còn chấp luôn cả các giải C1, C2 châu lục nên mục tiêu của bóng đá Việt Nam lúc nào cũng là .... phải vượt qua Thái Lan, bằng lòng với thành tích "ao làng", đi thi đấu châu lục chỉ cầu "ít hơn đối phương một cái thẻ vàng".
Ở châu Âu, người ta quan tâm giải trong nước, giải C1, C2 rồi mới đến giải các đội tuyển. Ta thì ngược lại, vì ta chấp giải trong nước, chấp C1, C2, ai đó đi thi đấu ở nước ngoài thì thường xuyên ngồi ghế dự bị. Vài phút vào sân thay người không thể hiện được bản thân thì suất sự bị cũng mất luôn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.