Sau bài viết Kỷ luật thầy cô để dẹp bạo lực học đường là bạo hành giáo viên của tác giả Nguyễn Phúc Anh, nhiều độc giả có ý kiến phản biện:
Chỉ trích vì giáo viên quá bàng quan trước bạo hành
Tôi thấy quan điểm riêng của tác giả bài viết là không có gì sai. Bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân: gia đình, xã hội, mạng internet, môi trường sống, nhận thức của từng em học sinh...
Đây là vấn đề mà cả xã hội cần phải chung tay để góp phần loại bỏ nó ra khỏi môi trường sống của con người, đặc biệt là trong nhà trường.
Nhưng xét riêng trong vụ ở Hưng Yên, thì cả giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường đều phải chịu trách nhiệm vì đã làm sai nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, che giấu sự việc dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn, xem nhẹ tính chất vụ việc.
Rõ ràng, trong sự việc này, các thầy cô đã quá bàng quan với hoàn cảnh của em Y, không hề có biện pháp mạnh tay nào để xử lý vụ việc. Đến khi sự việc xảy ra nhiều lần và mức độ càng ngày càng nghiêm trọng thì lại lấp liếm để xoa dịu sự việc.
Như vậy, rõ ràng trách nhiệm thuộc về thầy cô, ban giám hiệu trường là phần lớn. Chỉ có điều, cơ quan cấp có thẩm quyền cần xem xét đúng người đúng mức độ vi phạm với từng cá nhân và tập thể để đưa ra những mức phạt thích đáng.
>> Thời 'nhìn đểu cũng bị đâm dao', tôi dặn con một sự nhịn chín sự lành
Quang Thắng
Vụ việc nghiêm trọng nhưng xử lý vô trách nhiệm
Trong vụ bạo lực học đường ở Hưng Yên, dư luận không hề đổ trách nhiệm cho thầy cô giáo và nhà trường để xảy ra vụ việc. Trách nhiệm chính xác của thầy cô giáo trong vụ bạo lực học đường này là đã cố tình giấu giếm, ém nhẹm vụ việc trong khi tính chất của nó rất nghiêm trọng.
Tại sao một vụ bạo lực học đường nghiêm trọng (và có tính lặp lại) như vậy mà không thông tin đầy đủ cho gia đình em nạn nhân biết rõ. Tôi nhớ là gia đình em học sinh này phải lên trường yêu cầu làm căng nhà trường mới cung cấp thông tin vụ việc chứ nhà trường không hề chủ động liên lạc với gia đình nạn nhân, trách nhiệm của nhà trường ở đâu thưa tác giả?
Nhà trường còn cố tình ém nhẹm vụ việc với cấp trên, không hề báo cáo một vụ việc nghiêm trọng này để cấp trên xử lý, cũng vì căn bệnh thành tích. Dư luận chỉ trích thầy cô giáo là vì những lý do đó chứ không ai chỉ trích nhà trường để xảy ra bạo lực học đường.
Vì như bạn nói, bạo lực học đường tồn tại mãi mãi với trường học, chúng ta, các cấp các ngành không có biện pháp triệt tiêu nó thì làm sao chúng ta có thể đẩy hết cho thầy cô giáo. Chúng tôi chỉ đang chỉ trích cách xử lý rất vô trách nhiệm của những người làm thầy cô giáo sau khi vụ việc nghiêm trọng xảy ra.
>> Học sinh Sài Gòn đóng cảnh nhạy cảm - 'thà vẽ đường cho hươu chạy đúng'
Huynh
Nếu dư luận không hay biết, vụ việc có được giải quyết?
Không ai đổ lỗi hết hoàn toàn cho giáo viên khi có bạo lực học đường. Không ai cả. Nhưng nói họ là "dê tế thần" hay hoàn toàn vô can và không đáng phải bị kỷ luật gì thì thật sự là đã sai càng sai.
Lỗi của họ ai cũng thấy, không có tâm, không hết lòng hết sức khắc phục những chuyện không may bằng cách báo cho gia đình học sinh nạn nhân biết toàn bộ sự thật. Họ bao biện, lấp liếm, vòng vo, chỉ muốn ém nhẹm mọi chuyện để giữ vững cái ghế của mình, có ý đổ lỗi cho nạn nhân, không một lời xin lỗi tử tế. Vậy mà không sai sao? Vậy mà xứng đáng làm "thầy cô" sao?
Nếu sự việc đó không ai biết, không rùm beng lên và nạn nhân không có ai bênh vực, nghĩ không thấu đáo và tự tử thì sao? Họ vẫn vô can và đáng thương nhỉ? Đã là lỗi hệ thống thì hễ ai, cái gì nằm trong hệ thống thì cũng đều có lỗi, đều phải chịu trách nhiệm.
>>'Kỷ luật nữ sinh đánh bạn - chỉ yêu thương mới lan tỏa yêu thương'
Nguyên Hy
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.