Xung quanh câu chuyện "vô cảm với người gặp nạn", độc giả Taolongss3a chia sẻ câu chuyện của bản thân:
Có những phiền toái khi ta làm ơn nhưng đôi khi lại bị mắc oán. Bản thân tôi đã cứu người tai nạn gãy chân khi trên đường đi làm về vào năm 2003. Anh ta là người dân tộc ở Gia Lai, do uống say nên tự đâm vào cột mốc bên đường. Thấy người dân đứng quanh rất đông mà không ai lo cho nạn nhân nên tôi bảo họ đi lấy hai đoạn cây thẳng và tự xé áo mình để nẹp lại trước khi gọi xe cấp cứu. Lúc cứu anh ta, tôi bị con anh ta hiểu lầm là kẻ gây tai nạn nhưng rất may là có người dân đã ở đó giải thích.
Tôi đưa nạn nhân tới bệnh viện, bác sĩ bảo phải đi đóng tiền mà tôi đi làm chỉ mang một ít chi tiêu trong ngày, còn con anh ta thì không có gì. Đợt đấy tôi vừa mất tiền, vừa mất công, lại phải nhịn đói để lo cho anh ta, cuối cùng cũng không có một lời cảm ơn nào. Nhưng tôi nghĩ mình đã làm việc đức thì cần gì trả ơn. Đến bây giờ trên 50 tuổi rồi tôi vẫn thường đi hiến máu. Nhiều khi tôi thấy xã hội mình còn rất nhiều người tốt, có điều họ không dám hy sinh bởi sự phiền toái khi họ giúp đỡ người khác, như các cụ hay nói: Làm ơn mắc oán.
Cùng chung suy nghĩ trên, độc giả Ngọc gia hân lại khẳng định xã hội hiện đại vẫn còn tồn tại nhiều người tốt, nhiều hành động nhân văn:
Tôi đã từng cứu nhiều vụ tai nạn khi lái xe đi đường vì làm nghề sale, nhưng cũng hồi hộp vô cùng. Tôi còn gia đình, cha mẹ già, tôi nghĩ lỡ chẳng may vì một lý do nào đó nạn nhân chết và tôi bị oan thì gia đình rôi sẽ rất khổ. Nhưng tôi đã vượt qua được cảm giác sợ hãi đó bằng chữ "nghiệp" trong đạo Phật - nếu điều bất công xảy ra thì đó là nghiệp báo của tôi đã đến, miễn sao trước mắt có thể cứu được người khác là vui rồi.
Có một lần vào buổi sáng, tôi chở một em bé khoảng 5 tuổi bị tím tái sùi bọt mép đi cấp cứu (vì gia đình họ quá run nên điều khiển xe té hoài). Tôi ngừng xe lại hỏi vài câu và bỏ xe mình lại vệ đường rồi ngỏ ý: "Để tui chở vô bệnh viện cho". Trước khi đi, tôi cũng không quên dặn lại mọi người xa lạ tại đó nhìn xe hộ tôi rồi chở người ông đang bế em bé vào viện. Vừa chạy, tôi vừa hướng dẫn cho bé hơi nghiêng đầu để dễ thở và cố nói chuyện giúp bé tỉnh táo. Tới bệnh viện, vào khoa cấp cứu, bác sĩ kêu khai tên bé nhưng tôi nói không biết vì chỉ là người đi đường. Chừng 5 phút sau mẹ bé tới và bác sĩ hỏi ra mới biết bé đói trong lúc chích thuốc nên bị sốc.
Khi biết bé không sao, tôi thấy nhẹ nhõm trong tâm vô cùng và âm thầm đi lại chỗ tai nạn để lấy xe. Trên đường đi cứ suy nghĩ hồi hộp không biết xe của mình sao rồi. Nhưng tới nơi, mọi người vẫn giữ nguyên vẹn tài sản cho tôi. Thế đấy, mọi người vẫn đối xử tốt với nhau đó thôi.
>> Bạn đã từng cứu giúp người bị nạn như thế nào? Chia sẻ câu chuyện của bạn tại đây.