Sau khi đọc bài viết "Nhiều người ngày càng vô cảm vì mất niềm tin", theo ý kiến của riêng tôi, đa phần người Việt Nam, ít ai có thể nhìn vào bản chất vấn đề để cảm thông, suy nghĩ xem tại sao họ lại không cứu giúp đưa người bị tai nạn?
Tôi xin mạn phép đưa ra một vài nguyên nhân như sau: họ bận công chuyện hoặc sợ rủi ro. Sống tại những thành phố lớn, cuộc sống xô bồ với nhiều người, nhiều tầng lớp, thành phần mà đôi khi ra đường ta không thể biết hết, trong khi ai cũng vì mưu sinh, miếng cơm manh áo.
Lấy ví dụ, bỗng một ngày, khi đi trên đường gặp phải vụ tai nạn, liệu bạn có đưa nạn nhân đi cấp cứu và chấp nhận khiến công việc của mình dở dang, lỡ kế hoạch gặp đối tác... tổn thất về kinh tế. Bên cạnh đó, có khi lại gặp rủi ro, bị người nhà nạn nhân uy hiếp, công an lấy lời khai để điều tra... tốn thời gian và rất nhiều phiền phức? Hay bạn sẽ mang nỗi sợ làm phước phải tội, không nên giúp thì tốt hơn, để bản mình được yên thân?
>> 'Sợ mang vạ khi cứu người gặp nạn là biện minh cho lối sống vô cảm'
Đó là những bất cập mà dư luận đang bức xúc, chúng tồn tại âm ỉ khá lâu nhưng các cơ quan quản lý chưa có những giải pháp để giải quyết triệt để. Trong thời gian chờ đợi vấn đề được giải quyết, theo tôi, mỗi chúng ta nên tự thay đổi thái độ của mình. Thay vì phê phán những hành động đó là "vô cảm", hãy đưa ra những giải pháp để sau này gặp tình huống tương tự mọi người biết để phòng tránh và xử lý kịp thời. Đó mới là xã hội văn minh.
Thử hỏi xem đã ai giỏi, ai toàn vẹn chưa? Chúng ta đang phải hàng ngày phấn đấu để hoàn thiện mình và môi trường sống xung quanh, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Vậy bạn sẽ làm gì khi gặp người bị tai nạn? Một giải pháp đơn giản trong hoàn cảnh trên: nếu không trực tiếp cứu giúp được, bạn hoàn toàn có thể thông báo tới cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời hoặc xin ý kiến xử lý nếu trong tình huống khẩn cấp.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.