Tôi có đọc bài của một người bố ngạc nhiên vì đứa con 5 tuổi của mình nghĩ vua Lý Thái Tổ họ Lý tên Tổ. Người bố nghĩ con cái nhầm vì sách giáo khoa không đề cập chi tiết tường tận. Tuy nhiên đó không hẳn 100% lỗi tại sách giáo khoa, phần khác đơn giản vì bé còn quá nhỏ tuổi.
Mới 5 tuổi còn ngây thơ, chuyện nhầm lẫn là bình thường. Thậm chí tôi tin bé còn không biết danh hiệu nghĩa là gì. Tôi cực kỳ đồng ý rằng sách giáo khoa lịch sử dạy rất khô khan, nhưng trong trường hợp của người bố này, chủ yếu là do con còn quá bé mà thôi.
Người bố đừng quá ngạc nhiên. Chính tôi hay từ kinh nghiệm nhìn mọi người xung quanh thấy rằng đến tận mười mấy tuổi vẫn còn rất nhiều suy nghĩ ngây thơ.
>> Xem thêm: 5 lý do khiến học sinh không thích môn lịch sử
Về phần sách giáo khoa lịch sử, bên cạnh việc thay đổi cách biên soạn nội dung, cách trình bày diễn giải cho các em học sinh, bố mẹ cũng cần bồi dưỡng cho các con mình bằng các loại sách truyện tham khảo khác nữa. Sách tham khảo nếu biết chọn một chút chỉ cần đọc qua sẽ mua được những loại đầu sách truyện rất quý giá, cực kỳ bổ ích cho việc tìm hiểu.
Ngày xưa, những năm đầu 2000, tôi được bố mua cho truyện tranh dài tập Lịch sử Việt Nam bằng tranh. Chính nhờ những trang truyện này mà tôi yêu thích lịch sử và hiểu biết khá nhiều, nhớ rất lâu các kiến thức lịch sử Việt Nam thời phong kiến.
Sau này còn có bộ truyện tranh lịch sử khác nữa. Tôi đã nghe về đề tài dạy lịch sử quá nhàm chán bao năm nay và mỗi lần nghe là một lần tôi muốn có lời khuyên hãy mua sách truyện tham khảo cho các con đọc, có thể sẽ hữu hiệu với con cái của mình.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.