Khi còn học phổ thông, đa số mọi người đều không thích học môn Lịch sử. Chỉ cần nghĩ đến tên gọi của nó thôi là tôi và bạn bè đã rùng mình. Có muôn vàn lý do để giải thích cho vấn đề "sợ" học môn Lịch sử Việt Nam:
Thứ nhất, môn học này quá khô khan. Các dữ liệu ngày/tháng/năm và nội dung dễ gây cảm giác buồn ngủ cho người nghe.
Thứ hai, quá trình lịch sử Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung rất dài. Thật khó để thuộc nằm lòng ngần ấy thông tin, bởi não chúng ta còn phải dung nạp vô số kiến thức của những môn học khác.
Thứ ba, một số giáo viên giảng bài chưa thực sự thu hút.
Thứ tư, học sinh miễn cưỡng học vẹt để đối phó với giáo viên khi bị gọi lên trả bài và thi cử.
Cuối cùng, học sinh được học từng giai đoạn lịch sử ở từng cấp học, năm học, nhưng chưa có giáo viên nào tổng kết, và hệ thống lại tiến trình lịch sử từ xa xưa đến hết thời chiến tranh để học sinh có thể ôn lại và nắm rõ kiến thức.
Vì những lý do nêu trên mà kiến thức lịch sử đã được dạy, học sinh đều trả lại hết cho trường lớp và thầy cô.
Tốt nghiệp cấp ba và đại học, mọi người đều tìm đến những con đường và ngành nghề khác nhau, có rất ít học sinh đam mê môn Lịch sử và sống bằng nghề này. Vô hình trung, có nhiều người không yêu mến môn học này, dù là người Việt nhưng lại không nhớ được lịch sử Việt Nam, thậm chí là ghét nó.
Các bạn có bao giờ tự hỏi bản thân rằng, không nắm được lịch sử hào hùng của Việt Nam thì làm sao chúng ta có thể tự hào mình là người Việt, và làm sao để bạn bè quốc tế nể chúng ta?
Những người công tác trong ngành kinh tế, lĩnh vực tài chính... thường có rất ít cơ hội tìm hiểu lịch sử. Hầu như ai cũng trăn trở, quay cuồng kiếm tiền và giải quyết những khó khăn về cơm áo, bởi "không thực làm sao vực được đạo".
Thế nhưng, chỉ cần bỏ vài giờ mỗi ngày để tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, bạn sẽ có cái nhìn khá rõ nét về tiến trình lịch sử của đất nước. Hoặc nếu dành thêm chút ít thời gian để tìm hiểu căn nguyên từng giai đoạn lịch sử, tôi chắc rằng chúng ta sẽ thấy sử Việt rất hay và thú vị.
Nếu may mắn gặp được người thầy uyên bác, những đàn anh có tâm, được họ truyền cho kiến thức bổ ích qua từng bài giảng, lời chia sẻ nhiệt tình... chúng ta sẽ thấy được hồn của lịch sử Việt Nam. Khi được thắp lửa, mọi người sẽ thấm nhuần sự tinh túy của sử Việt.
Kiến thức lịch sử không thể củng cố lại chỉ trong một giờ, một ngày, mà phải thực hiện trong thời gian dài, một tháng, một năm hoặc lâu hơn. Song, chúng ta không nên bỏ cuộc. Nếu làm được những điều này, tôi tin mọi người sẽ yêu mến lịch sử Việt Nam hơn, và tự hào là người Việt Nam.
>> Xem thêm: Không tạo được hứng thú, học sinh sẽ học đối phó
'Muốn học được Lịch sử cần phải có niềm cảm hứng' |
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống tại đây.