Chúng ta thường hay chỉ trích, kêu ca sau mỗi đợt thi có nhiều điểm kém môn Lịch Sử. Hay thường than phiền với nhau rằng học sinh thờ ơ, chán ghét môn Sử trong nhà trường.
Nhưng tôi tự hỏi người lớn chúng ta đã và đang làm gì để học sinh yêu thích môn Sử hơn? Câu trả lời là chúng ta không làm gì cả, thậm chí còn phức tạp hóa kiến thức lịch sử trong nhà trường với những con số khô khan: ngày này thì xảy ra trận đánh này, chết bao nhiêu người, bị thương bao nhiêu người...
Chúng ta hiếm khi khơi gợi niềm yêu sử của trẻ từ ngoài đời sống, bằng cách kiến giải, chú thích những chi tiết, những nhân vật lịch sử của nước mình.
>> 5 lý do khiến học sinh không thích môn lịch sử
Sở dĩ tôi nói như vậy là vì một hôm, tôi chở đứa con nhỏ 5 tuổi của mình đi trên đường, tôi nói với con rằng đường mà mình đang đi được đặt tên là Lý Thái Tổ, vị vua đầu tiên của nhà Lý. Con tôi liền hỏi lại: 'Vị vua này tên Tổ hả ba?'.
Tôi rất bất ngờ vì câu hỏi của con, trong giây lát tôi giải thích rằng: không phải, vua họ Lý, tên Công Uẩn- Lý Thái Tổ chỉ là danh hiệu. Tôi chợt nhận ra cách gọi nhân vật lịch sử, hay lấy tên nhân vật lịch sử đặt tên đường của ta có vấn đề. Đó là rất hiếm khi giải thích ngọn nguồn tên gọi xuất phát từ đâu. Điều đó rất dễ gây ngộ nhận cho con trẻ, bằng một logic thông thường, chúng sẽ nghĩ rằng vua Đinh tên là Hoàng (Đinh Tiên Hoàng), Quang Trung (là một ông nào đó họ Quang tên Trung)...
>> Học môn Sử 'chán ngắt, như vẹt và đầy áp lực'
Phải có vốn kiến thức nền nhất định về lịch sử thì mới biết được Thái Tổ, Tiên Hoàng hay Quang Trung chỉ là miếu hiệu, thụy hiệu hay niên hiệu của các vua Lý Công Uẩn, Đinh Bộ Lĩnh và Nguyễn Huệ. Tôi chưa thấy sách vở giáo khoa nào giới thiệu và giải thích cặn kẽ những điều này.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.