Tác giả Lê Quang là kiến trúc sư, đang sống và làm việc tại Thuỵ Sĩ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về bảo tồn di sản:
Các công trình tôn giáo thường có tuổi thọ cao. Nhà thờ Đức Bà Paris 800 năm tuổi không phải là công trình lâu đời nhất. Có rất nhiều địa điểm khác đã tồn tại rất lâu và trở thành di sản.
Nếu xét về số lượng, công trình tôn giáo chiếm đại đa số trong các di sản bởi chúng gắn chặt với đời sống tinh thần và đức tin của con người.
Nhờ vào tính thiện của các tôn giáo nói chung và mối cố kết với cộng đồng, các công trình này được xây dựng cẩn thận, được chăm sóc và trùng tu thường xuyên.
Tuần vừa rồi, nhân dịp nghỉ lễ, tôi đến thăm nhà thờ L'esglesia de Sant Joan del Mercat . Công trình cũng được xây dựng đúng 800 năm trước tại Valencia, Tây Ban Nha.
Đây chỉ là một nhà thờ nhỏ. Xét về quy mô, nó chưa thể sánh được với thánh đường chính của thành phố Valencia (chỉ cách đó chưa đến 500m). Nhưng cá nhân tôi rất yêu thích nhà thờ này. Nó phản ánh cả một chiều dài lịch sử trầm tích và cho thấy sự chuyển mình của nghệ thuật thế giới qua các giai đoạn khác nhau. Từ phong cách Gothic vào thế kỷ XIV cho đến khi được cải tạo và trùng tu dưới sự ảnh hưởng của nghệ thuật Baroque vào Thế kỉ XVIII.
>> Bài viết cùng tác giả: Cái chuồng bò ở nước Đức và rạp Hòa Bình ở Đà Lạt
Nhiều người nói rằng phải là "nhà giàu" mới bảo vệ được di sản. Điều này có thể còn nặng thiên kiến. Cách đây 4 năm, tôi từng có dịp làm việc với UNESCO trong một đồ án cá nhân ở thung lũng Bamyan – một vùng đất thuộc Afghanistan, vừa trải qua chiến tranh với ISIS và thuộc loại nghèo nhất Thế giới.
Di sản lớn nhất mà họ có là một bức tượng Phật khổng lồ được đẽo vào trong lòng vách núi đá. Bức tượng đã bị phiến quân phá hủy và không thể phục hồi.
Còn lại ở đó là tàn tích của tượng Phật và vẫn được coi là di sản của nhân loại. UNESCO đã tổ chức một cuộc thi thiết kế kiến trúc ở thể thức chuyên nghiệp và thu hút hơn 1.000 đề xuất (chỉ đứng sau lượng đề xuất 2.000 bài cho bảo tàng Guggenhiem tại Helsinki được tổ chức cùng thời điểm).
Đề xuất của tôi nằm trong vòng thắng cuộc 25/1000, có cơ hội làm việc trực tiếp với văn phòng tổng thống Afghanistan vào năm 2015, điều mà có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến. Sau đồ án, tôi cũng tự học thêm về đất nước và tôn giáo của họ, đó là những cơ hội học hỏi đáng quý.
Cả thế giới đã biết đến Bamyan chỉ sau một cuộc thi như vậy. Cuộc thi gây được tiếng vang và người ta đủ tiền để xây dựng một nhà bảo tàng ở đó. Vì thế, cá nhân tôi tin rằng, di sản thực sự chỉ mất đi khi mà đức tin của con người biến mất. Lòng tin còn thì di sản còn, lòng tin hết thì có gì để gọi là di sản nữa đây?
Việt Nam cũng có nhiều di sản đáng quý, nhiều di sản ở ngay trước mắt chúng ta, thân quen đến độ quên mất lúc nào không biết. Ví dụ như Văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội.
Đây là quần thể được xây dựng từ năm 1070, cho đến nay là 950 tuổi, có thể coi là công trình nghìn năm. Nó có thể không đi vào văn chương, thơ ca, có độ phủ sóng cao như Nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng hẳn là nó vẫn rất đáng quý. Khi còn ở Việt Nam, tôi rất thích đi tham quan Văn Miếu, một, hai tháng lại đi một lần. Lái xe máy từ nhà lên mất 15 phút, gửi xe 10 nghìn đồng, mua vé vào cửa 20 nghìn đồng, tóm lại là chưa đến 2 euro (50 nghìn đồng) để được xem một di sản nghìn năm có một.
Chưa cần phải mất tiền đi máy bay cả ngày trời để mà đến cảm mặc một công trình nào đó ở bên Tây, chúng ta hoàn toàn có thể tự trau dồi theo điều kiện của mình. Khi thì đi một mình, khi thì rủ bạn bè đi, có lúc dẫn cháu đi, bạn bè Tây, Mỹ nào sang tôi cũng dành thời gian dẫn các bạn đi xem cho biết. Mặc dù vậy, việc đến xem những công trình như thế làm tôi có đôi lúc phải đóng vai một thanh niên "âm lịch’".
Nhiều bạn bảo có thời gian thì đi chơi, đi bar chứ tội gì đến đấy. Tôi khẳng định vẫn đi nhiều quán bar, club hơn các bạn. Bên cạnh đó, tôi cũng thăm nhiều di sản nữa.
Hai việc đó hoàn toàn khác nhau và đều là việc tốt. Có việc làm để giải trí, có việc làm để học hỏi. Chúng ta nên tìm ra những điểm tích cực từ các hoạt động đó.
Rõ ràng, thái độ trân trọng di sản được coi là văn hóa và cần được giáo dục chứ không ai tự nhiên biết. Ở những cộng đồng tôn giáo như bên Pháp hay bên Tây Ban Nha, người ta có một cái gọi là "đức tin" như đã trình bày ở trên, họ được nghe, được răn dạy từ tấm bé.
Đức tin đó chắc là luôn hướng họ đến điều tốt đẹp và khuyến khích họ giúp đỡ cộng đồng.
>> Xem thêm: 'Cái gì cũng có ở Đà Lạt, chỉ không còn rạp Hòa Bình'
Thế chúng ta có đức tin gì không? Thời đại này đã thai nghén ra loại lòng tin nào? Một nền giáo dục tự xưng là tốt trên thế giới nhưng chưa chắc đã dạy con người về những giá trị cơ bản nhất mà người ta thuộc về.
Chính vì vậy, nếu chúng ta thờ ơ với di sản của chúng ta, thì đó là bởi chúng ta thực sự đã mất đi lòng tin cho những điều tốt đẹp.
Việc tỏ ra coi thường di sản, thản nhiên xây nhà cửa, xây cáp treo đè lên di sản, làm đường bóc lột di sản dưới chiêu bài tăng trưởng kinh tế, suy cho cùng không phải là việc làm của người thức thời như tấm áo mà ta cố khoác lên. Nó chỉ đơn giản là biểu hiện của sự thiếu giáo dục và một tuổi thơ đầy khó khăn mà thôi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.