Một đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt vừa được tỉnh Lâm Đồng công bố và giới thiệu rộng rãi cho công chúng, gây băn khoăn cho người dân và các nhà chuyên môn. Nhiều người lo sợ nó phá vỡ kiến trúc, không gian của Đà Lạt.
Rạp hát Hòa Bình sẽ bị đập bỏ, thay vào đó là hai khối nhà cao 2-5 tầng bằng kính, Dinh tỉnh trưởng cũ tọa lạc trên đỉnh đồi cao sau chợ Đà Lạt sẽ di dời nguyên trạng thay vào đó là khu thương mại và dịch vụ cao cấp mà điểm nhấn là tòa nhà 10 tầng ngay giữa đỉnh đồi với mái của tòa nhà được cách điệu trông khá giống những chiếc vỏ sò.
Cần nói thêm rằng khu đồi Dinh này đang giữ được rừng nguyên sinh, nó như là lá phổi cho khu trung tâm, nếu băm nát để xây dựng và xẻ núi mở đường thì thật sự là tiếc nuối cho Đà Lạt.
Bản thân Dinh tỉnh trưởng là một công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp ở Đà Lạt và là một trong số những công trình kiến trúc pháp có quy mô lớn tại thành phố này.
Chức năng của đô thị Đà Lạt ngay từ đầu thành lập là dùng làm nơi nghỉ dưỡng và nó vẫn giữ vai trò như như vậy trong 126 năm qua.
Từ đầu thế kỷ XX, người Pháp quyết định chọn Đà Lạt để xây dựng một thành phố nghỉ dưỡng vì nơi đây có khi hậu tương đồng với châu Âu tại Đông Dương. Đà Lạt có những ưu điểm vượt trội so với một số nơi khác như Tam Đảo, Bạch Mã, Bà Nà... như diện tích đủ để kiến thiết trở thành một thành phố, vị trí thuận lợi về mặt chiến lược để phát triển giao thông, quốc phòng.
Trải qua 126 năm hình thành, Đà Lạt đã mang trên mình rất nhiều đồ án quy hoạch qua từng thời kỳ, nhưng tuyệt nhiên những đồ án quy hoạch kiến trúc trước đây đều tận dụng và gìn giữ tối đa lợi thế của Đà Lạt là địa hình đồi núi, rừng thông.
Đơn cử như Đà Lạt vốn dĩ không có sông lớn hay hồ tự nhiên nhưng từ những con suối nhỏ chảy quanh hàng trăm quả đồi của Đà Lạt, các nhà quy hoạch đã tạo ra một chuỗi hồ nước nhân tạo, đến nay vẫn còn hơn 10 hồ.
Những hồ nước này ngoài việc tạo cảnh quan thêm thơ mộng bên những đồi thông và những con đường uốn lượn quanh các sườn đồi thì nó còn có chức năng rất quan trọng là cung cấp nguồn nước sinh hoạt của cư dân.
Đà Lạt được nhiều người yêu mến và đặt cho những cái tên rất quyến rũ mang tính chỉ dẫn địa danh, đúng hơn là được mệnh danh " thành phố ngàn thông’’ "thành phố ngàn hoa’’ hay "thành phố sương mù’’.
Giới kiến trúc còn gọi Đà Lạt là một bảo tàng kiến trúc Pháp vì Đà Lạt từng có trên 1500 biệt thự mang kiến trúc của các vùng miền của nước Pháp. Từ lối kiến trúc nhiều vùng miền của Pháp, kết hợp kiến trúc, văn hóa bản địa và những mẫu nhà truyền thống Việt Nam đã tạo nên một kiến trúc riêng của Đà Lạt, hạn chế tối đa nhà cao tầng.
Tuy nhiên nét kiến trúc đó đang bị mất dần do quá trình đô thị hóa quá nhanh, số khách sạn quy mô nhỏ hay cơ sở lưu trú được cải tạo từ những căn hộ của cư dân Đà Lạt hiện nay rất nhiều, tạo thành những khu nhà ống rất ngột ngạt và không phù hợp với không gian Đà Lạt.
Là một người sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt và cho đến nay cũng đã quá nửa đời người, những người như tôi chứng kiến sự thay đổi này từng năm, từng ngày. Thỉnh thoảng có dịp được tiếp một vài người phương xa thì họ đều có chung nhận xét: sao Đà Lạt lúc này đông đúc thế, kiến trúc nhà cửa thì như muốn "nổi loạn’’, mất đi quá nhiều so với trước.
Nhận xét đó hoàn toàn đúng, nhưng tôi vẫn giải thích với họ rằng: qua 126 năm hình thành thì Đà Lạt vẫn có quyền to lớn hơn và nó cũng phải già đi theo tuổi tác.
Gần 70 năm trước ông bà cụ nhà tôi đến Đà Lạt lập nghiệp, lúc đó chỉ có hai người mà nay đại gia đình tôi đã có gần 50 người, chưa nói tới làn sóng tăng dân số cơ học khách quan của từng giai đoạn...
Đó chỉ là yếu tố dân số còn kiến trúc thì khó nói là lý do khách quan, vì nó liên quan công tác quản lý quy hoạch.
Áp lực khu trung tâm Hòa Bình bấy lâu là rất lớn vì diện tích khu vực này quá nhỏ so với sự phát triển của Đà Lạt ngày nay. Đồ án quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt mới công bố có diện tích 30ha, với dân cư hiện hữu là 5370 người, khu vực quy hoạch khi hoàn thành sẽ có 6879 người.
Điều đáng nói khu vực này lâu nay đã xuất hiện những ngôi nhà cao tầng khiến không gian ngột ngạt, không phù hợp, và càng cao tầng thì càng nhiều người tập trung thông qua các dịnh vụ, tiện ích của nó.
Tuy đồ án quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt được chính quyền địa phương kỳ vọng là tiền đề để đầu tư cải tạo chỉnh trang và phát triển đô thị khu trung tâm trở thành Trung tâm phức hợp gồm: hạ tầng giao thông chất lượng cao, xây dựng các công trình kiến trúc đặc trưng, hài hòa cảnh quan khu vực, là điểm đến của khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế.
Đành rằng việc chỉnh trang là hoàn toàn cần thiết và nó còn phải được kiểm soát thường xuyên nhưng khi tận mắt thấy những bản quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt thì nhiều người dân và cả giới chuyên môn đều lo lắng.
Thiết nghĩ những công trình phức hợp đa năng cần dần đưa ra khỏi khu trung tâm hiện hữu, tạo ra những trung tâm mới, quỹ đất để xây dựng trong bán kính 5-7km của Đà Lạt còn khá dồi dào, đơn cử như hướng Đông Bắc của Đà Lạt thuộc các phường 8, 9, 11, 12 địa hình khá bằng phẳng, dân cư cũng tương đối lớn.
Đà Lạt cần thiết phải mở rộng không gian đô thị, muốn làm được điều đó phải đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút nhà đầu tư. Hiện nay khu trung tâm Đà Lạt quá nhỏ nhà cửa chen chúc và nhà cao tầng đang xu hướng phát triển nhưng chỉ ra vùng ven là toàn diện tích đất nông nghiệp, diện tích nhà kính tăng chóng mặt qua từng năm. Với gần 300.000 cư dân và trên 6 triệu lượt khách du lịch viếng thăm như hiện nay, Đà Lạt cần phải có bước tính dài hơi ngay từ bây giờ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.