Bạn đang ở nhà chống dịch như thế nào? Làm thế nào vượt qua khó khăn để đồng lòng cùng đất nước chống dịch Covid-19. Chia sẻ bài viết, video, ảnh chủ đề 'Tôi ở nhà' tại đây.
Ở nhà, tự do, ngủ nướng... sau Tết, đó là chuyện hiếm những năm trước. Nhưng, năm nay lại là vấn nạn. Không nói tất cả những hệ lụy tiêu cực liên quan đến việc ở nhà, chỉ nói đến chuyện chu toàn ăn uống cho gia đình, trong đó có bản thân ta, cũng đã rất nhiều vấn đề. Hãy thử làm phép so sánh:
Ngày thường, chúng ta ít khi phải chuẩn bị cả ba bữa sáng, trưa, tối cho cả nhà, thay vào đó chỉ 1-2 bữa. Thời gian còn lại ta đi làm, gặp gỡ bạn bè hay khách hàng... ở quán xá. Tức thời gian thực sự chị em vào bếp sẽ từ 1-3 tiếng/ngày. Lượng chén bát rửa, sấy tùy theo số bữa, đổ rác theo lượng thực phẩm sử dụng. Kèm theo đó, tùy số bữa chúng ta chuẩn bị, số thực phẩm cần mua cũng tỷ lệ với số bữa ta nấu.
Tuy nhiên, khi ở nhà tránh dịch, chúng ta ít ra ngoài, nấu ăn cả ba bữa/ ngày, chuẩn bị đủ cả món giữa giờ, tráng miệng, ăn uống vặt... Thời gian ở trong bếp sẽ nhiều hơn gấp 2-3 lần trước kia để chu toàn các bữa ăn, giữ chén đũa sạch, rác được giải phóng kịp thời. Đi chợ mua thức ăn cũng nhiều gấp 3-4 lần... Vậy các chị em phải làm sao để không thấy áp lực, không bị nhàm chán, nhất là khi tình trạng này chưa có dấu hiệu kết thúc?
Đây là cách tôi đã làm trong hai tuần qua và sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm:
Đi chợ: Chúng ta cần mua lượng hàng nhiều hơn, mà lại không muốn tiếp xúc đông người. Đi siêu thị thì không lường trước được lúc đó đông hay vắng, hàng nhiều hay ít. Vì thế, cần lên danh sách các mặt hàng cần mua, cụ thể mua gì, ở đâu. Cố gắng nhóm các mặt hàng lại để đỡ mất công tìm kiếm. Nên mua ở siêu thị quen, quầy, shop quen, điều này giúp chúng ta tìm đồ trên kệ nhanh hơn là đi một nơi lạ, mất công tìm món hàng mình cần. (Mất thời gian ở chỗ đông người là không nên lúc này).
Hãy mua thêm một số món để được lâu ngày, đồ khô để chế biến đổi món: mắm chưng, mắm ruốc, tôm khô, tôm chua, dưa chua, kim chi, lạp xửơng và có thể vài cây giò chả, sốt maionaise, sốt mè, sữa đặc, đậu các loại cùng gia vị nấu chè, vài hộp cá tuna in oil hay nước muối để trộn salad... Rau củ có thể chọn bí đỏ, củ dền, khoai, hành tây,... và một số loại nấm hay đậu phụ, đâu hũ vì có thể để lâu vài ngày. Mua thêm một ít bánh, kẹo để dùng trà. Nói chung, chúng ta xác định đi chợ như chuẩn bị cho mấy ngày Tết, vậy sẽ thấy đỡ căng thẳng hơn. Khi mua, bạn cũng nên nhớ ước lượng sức chứa các ngăn của tủ lạnh để đồ mua về có chỗ cất.
Nấu ăn: Khi chúng ta phải đi mua và trữ một lượng thực phẩm nhiều hơn bình thường, người nội trợ khá vất vả: phải phân loại, sơ chế, sắp xếp các thứ mới mua vào vị trí khiến bạn mất nhiều thời gian hơn một lần đi chợ thường ngày. Vì vậy, khi đi chợ, nên mua thêm một số món đã chế biến để về chỉ hâm nóng bày ra dùng. Nếu có thể, hãy xem xét mua đồ ăn đã nấu sẵn cho 1-2 ngày vì ngày đi chợ đã mất khá nhiều thời gian. Với những người phải nấu tất cả các bữa nữa thì sẽ rất vất vả, mệt mỏi. Đồ mua sẵn có thể không ngon như nhà nấu nhưng coi như đó là cơm trưa văn phòng hay ăn hàng, bạn sẽ thấy ổn. Tôi thường mua vài món siêu thị bán sẵn như bún, cà ri, thịt quay, bánh trái tươi hay chè.
Những ngày tiếp theo, bạn phải có kế hoạch chế biến 3-4 bữa/ ngày cho gia đình nên tốt nhất không bày vẽ món khó nấu hay món đặc sản. Hãy nấu những bữa "cơm dẻo, canh ngọt" với các món ăn bình dị. Đây là lúc các bà các mẹ nấu cơm quê với rau luộc, thịt rang, mắm chưng, cá kho,... Những món dễ nấu đỡ mất thời gian mà vẫn ngon, vẫn lạ, hấp dẫn.
Buổi sáng, bạn có thể đổi món bánh mì, cháo, phở, bánh canh hoặc đơn giản salad rau củ với cá hộp, hay trứng luộc... Bạn cũng nên đưa vào một số món "Tây" như ngũ cốc, bột dinh dưỡng, cháo yến mạch. Một trong hai ngày cuối tuần thì có thể làm vài bữa thịnh soạn hơn một chút: gà nướng, cá bỏ lò,... cho thêm phần hấp dẫn. Các bữa ăn dặm có thể là trái cây, ít bánh ngọt, chè đậu tự nấu, bánh flan,...
Các ông chồng, ông bố cũng cần hiểu và thông cảm nếu có vài bữa có món giống nhau lặp lại, bởi chị em bị giới hạn mua đồ hàng ngày nên đôi khi quay ra quay vào cứ rau muống xào, rau muống luộc rồi rau nấu canh... Mục tiêu là bảo đảm bổ dưỡng, ngon miệng cho cả nhà nhưng "các bà" không quá vất vả vì sẽ mất vui.
Từ khi hạn chế đi đến chỗ đông người, tôi đã sắp xếp được mấy chỗ trồng rau sạch, thế nên sau ba tuần gieo hạt thì đã có rau xanh để ăn luân phiên: cải salad, rau muống, rau dền cơm, mồng tơi... đỡ được bài toán rau tươi trong những ngày không đi chợ.
Thư giãn: Nếu chỉ đi chợ, nấu ăn và lau dọn nhà thì sẽ thấy thời gian cách ly cộng đồng ở nhà cũng rất cực hình, nhất là khi tất cả đều ở nhà, mật độ sử dụng tiện nghi nhiều hơn. May mắn là nhiều ông chồng và các con nay đã vui vẻ tham gia giúp các bà mẹ quét nhà, lau nhà, rửa chén. Nhưng nhà cửa, giường chiếu hẳn sẽ bừa bộn hơn ngày thường - khi mọi người đi học, đi làm. Các mẹ cũng phải chấp nhận sự lộn xộn đó và đừng quá căng thẳng khi nhà cửa không gọn gàng. Thay vì bù đầu gấp chăn, xếp gối, những người vợ, người mẹ cứ nằm thư giãn, đọc sách, xem phim,... để có sức "chiến đấu" bếp núc những ngày sau.
Nạp kiến thức: Hãy nghiên cứu, tìm hiểu cách trang điểm, phối đồ, bài trí nhà cửa, hay xem các kênh về thế giới, lịch sử,... thậm chí tập tânhfsửa quần quần áo cho chồng, con cũng là một cách giết thời gian tốt, lại nâng cao tay nghề nữ công gia chánh.
Rèn luyện sức khỏe: không nhất thiết là phải tập yoga hay tập Gym, việc múa, hát, nhảy vui vẻ cũng là những cách rèn luyện cơ thể mà không gò bó, nhất là trong hoàn cảnh "không được ra ngoài" như hiện nay.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của tôi có thể cho các bạn, nhất là những người phụ nữ trong gia đinh có thêm gợi ý để cân bằng cuộc sống trong những ngày được khuyến cáo cách ly cộng đồng tại nhà như hiện nay.
>> Bạn đang ở nhà chống dịch như thế nào? Chia sẻ bài viết, video, ảnh chủ đề 'Tôi ở nhà' tại đây.
Tường Vân