Ameen Jolly, một doanh nhân người Anh sống chung với Covid-19 được vài tháng. Ông thử nhiều phương pháp để giải quyết các di chứng của căn bệnh nhưng không thành công, đến khi châm cứu và dùng một số loại thảo mộc theo y học cổ truyền Trung Quốc.
Trước khi bắt đầu điều trị bằng y học cổ truyền, Jolly thường xuyên bị hạ đường huyết bất kể đang làm gì. Song tình hình đã được cải thiện sau khi ông uống trà thảo mộc. Jolly thừa nhận Trung y đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe sau Covid-19.
"Tôi đã đến gặp bác sĩ nhiều lần, nhưng họ không biết phải làm gì và không có bất cứ giải pháp nào. Vì vậy, châm cứu là lựa chọn duy nhất", ông chia sẻ.
Jolly cải thiện đáng kể sau nhiều buổi châm cứu của bác sĩ Tianjun Wang, hiệu trưởng Học viện Châm cứu Trung Quốc London. Isabella Zhuang, Tổng giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Thái Cực quyền ở châu Âu, có cái nhìn tích cực về y học cổ truyền trong thời kỳ hậu Covid-19. Các bài thuốc có thể hiệu quả với triệu chứng Covid-19 kéo dài, chẳng hạn mệt mỏi, ù tai và lo âu.
Song theo Zhuang, nhiều người phương Tây chưa biết về vai trò của Trung y trong điều trị Covid-19 khi đại dịch mới bùng phát. Đến nay, thông qua phương tiện truyền thông và các ấn phẩm chuyên ngành, y học cổ truyền ngày càng phổ biến.
Trung Quốc đã điều trị bằng thảo dược cho 92% bệnh nhân Covid-19. Tại tỉnh Hồ Bắc, hơn 90% ca nhiễm được uống thuốc Trung y. Biện pháp chứng tỏ hiệu quả rõ rệt.
Theo sách trắng của chính phủ ban hành hồi tháng 6/2020, thuốc Trung y sử dụng ở giai đoạn sớm cho người mắc Covid-19 nhẹ. Các bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng được uống kết hợp với thuốc Tây y. Ở những ca nghi nhiễm có biểu hiện sốt và người thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh, thuốc Trung y giúp cải thiện khả năng miễn dịch tổng thể.
Zhang Boli, giám đốc Bệnh viện Vũ Hán Zhang Dingyu, cho biết y học cổ truyền Trung Quốc (Trung y) đóng vai trò quan trọng trong điều Covid-19, dựa trên kết quả lâm sàng trong và ngoài nước.
Ông nhận định sự kết hợp giữa Trung y và y học phương Tây là điểm sáng trong công cuộc chống dịch của nước này. Trích dẫn kinh nghiệm thực tế khi điều trị bệnh nhân ở thành phố Vũ Hán - tâm dịch đầu tiên của thế giới, ông Zhang cho biết việc can thiệp sớm bằng Trung y, kết hợp kiểm dịch chặt chẽ đóng vai trò nòng cốt trong đẩy lùi Covid-19.
Bằng các phương pháp phối hợp, không ai trong số 564 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ tại bệnh viện dã chiến quận Giang Hạ của Vũ Hán chuyển nặng hoặc tái phát sau khi hồi phục. Ông Zhang cho biết việc diễn giải Trung y và cơ chế của nó với khoa học hiện đại nên trở thành mục tiêu tương lai.
Theo ông và các đồng nghiệp, các bài thuốc Trung y giúp điều chỉnh hệ miễn dịch, bảo vệ các cơ quan bị suy yếu và kiềm chế virus sinh sôi ở mức độ nhất định. Ông cho rằng cần nỗ lực kết hợp y học cổ truyền và công nghệ hiện đại, tận dụng sức mạnh của nó để đem lại lợi ích cho cả người dân Trung Quốc và thế giới.
Trước đại dịch, y học cổ truyền cũng được ứng dụng ở một số quốc gia để điều trị di chứng của bệnh tật, như Ethiopia. Berhanu Kedir, 34 tuổi, là một trong số nhiều bệnh nhân ngoại trú đã được điều trị bằng y học cổ truyền ở Bệnh viện Tirunesh Bắc Kinh, ngoại ô thủ đô Addis Ababa.
Cô bị tai nạn xe hơi cách đây gần 7 tháng và phải vật lộn với chứng khó nói, đau thắt lưng, chân trái trong thời gian dài.
"Tuy nhiên, cơn đau của tôi giảm nhiều trong tuần qua, kể từ khi bắt đầu liệu pháp châm cứu", Kedir cho biết.
Liu Ruiqiang, trưởng nhóm y học cổ truyền Số 22 của Ethiopia, giải thích: "Các bác sĩ sử dụng châm cứu, giác hơi, xoa bóp và các kỹ thuật khác để điều trị chứng đau cổ, vai, thắt lưng, chân, rối loạn chức năng thần kinh và một số rối loạn tâm lý".
Kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay, giữa bối cảnh khó khăn chồng chất do Covid-19 tiếp diễn, nhóm y tế Số 22 tại Ethiopia, gồm 15 bác sĩ và thông dịch viên, đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Tirunesh-Bắc Kinh, còn được gọi là Bệnh viện Hữu nghị Ethio-Trung Quốc.
Thục Linh (Theo China Daily, Xinhua)