In the mood for love (Tâm trạng khi yêu) tròn 20 năm kể khi ra mắt. Tác phẩm của Vương Gia Vệ dự kiến phát lại ở Liên hoan phim Cannes năm nay nhưng phải hủy vì dịch. Phim là câu chuyện tình yêu cấm kỵ, đẹp mà buồn giữa hai người hàng xóm trong chung cư. Châu Mộ Văn (Lương Triều Vỹ) và Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc) phát hiện bạn đời lén lút hẹn hò sau lưng họ. Nỗi đau bị phản bội, sự cô đơn kéo họ đến gần nhau để rồi nảy sinh mối tình say đắm, đầy tiếc nuối.
Không chỉ khắc họa thành công mối tình kín đáo, e ấp, đượm buồn, phim tái hiện thời trang Hong Kong những năm 1960, cũng là những tháng năm đẹp nhất của vùng đất này trong cảm nhận của Vương Gia Vệ. Hình ảnh Trương Mạn Ngọc xuất hiện uyển chuyển, duyên dáng trong những bộ xường sám (*), trở thành kinh điển.
CNN bình luận: "In the mood for love khẳng định vị trí của xường sám trong lịch sử điện ảnh, và không ai có thể truyền tải vẻ đẹp của bộ váy tuyệt vời hơn Trương Mạn Ngọc - biểu tượng sắc đẹp Hong Kong".
William Chang chịu trách nhiệm thiết kế trang phục cho phim. Nhà thiết kế làm 50 bộ xường sám cho nữ diễn viên chính và một số diễn viên phụ. Tuy nhiên, trong bản cuối cùng, còn khoảng 30 mẫu xuất hiện trên màn ảnh.
Diễn viên Trương Mạn Ngọc mặc xường sám trong toàn bộ thời lượng phim. Đạo diễn Vương Gia Vệ từng chia sẻ: "Chúng tôi có 20 tới 25 bộ váy cho nữ chính. Bộ phim được biên tập và cắt khá ngắn, cô ấy thay đồ suốt nên cứ như show thời trang vậy". Một fan của phim đếm được nhân vật Tô Lệ Trân thay tới 21 mẫu khác nhau.
Thiết kế của nữ chính tương tự trang phục truyền thống, khác biệt ở chi tiết nhỏ. Phần nút cài cổ điển thường được làm bằng vải, để lộ ra. Trong khi đa số xường sám của Tô Lệ Trân có phần khuy cài được ẩn đi, che lấp bằng họa tiết tinh tế hoặc nút ẩn, gợi cảm giác thanh lịch, tối giản.
Cùng âm nhạc, góc quay, cách cài cắm chi tiết, Vương Gia Vệ sử dụng xường sám thể hiện chủ đề, sự thay đổi tâm trạng và cảm xúc của nhân vật. Trương Mạn Ngọc thường mặc thiết kế hoa văn, màu sắc, tạo cảm giác vừa hòa hợp, vừa tương phản với bối cảnh mờ tối, chật hẹp trong phim. Các thiết kế với mảng màu lạnh và nóng đan xen bộc lộ tình cảm dâng trào: màu đỏ tượng trưng cho tình yêu trong khi xanh lá là sự ghen tuông. Các chất liệu như voan, ren, lụa tôn lên vẻ đẹp nữ tính, mềm mại.
Ở đoạn cao trào, khi hai nhân vật chính hẹn nhau ở khách sạn, Tô Lệ Trân mặc xường sám họa tiết hoa hồng đỏ rực với phần cổ làm bằng voan mỏng, bộc lộ tình yêu say đắm, khát khao. Tuy nhiên lên phim, trang phục này chỉ xuất hiện một lần từ phía sau. Cảnh này, Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân định "vượt rào" nhưng cuối cùng kìm lại. Khán giả chỉ được thấy toàn bộ thiết kế trong những bộ ảnh hậu trường, poster.
Xường sám hiện đại được cải tiến từ trang phục nữ quý tộc thời Mãn Thanh (1644 - 1912), tuy nhiên có phần xẻ tà thấp hơn cùng phom dáng bó sát, nổi bật đường cong cơ thể. Đến giai đoạn 1920 - 1930, thiết kế trở nên phổ biến, đặc biệt ở Thượng Hải. Năm 1949, thắng lợi của Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến xu hướng xường sám suy thoái, thay thế bằng kiểu áo Mao Trạch Đông và quần dài. Tầng lớp quý tộc và các thợ may Trung Quốc giai đoạn 1912 - 1949 di cư sang Hong Kong, tạo nên xu hướng mặc xường sám những năm 1950, 1960 tại vùng đất này. Đây cũng chính là bối cảnh mở đầu Tâm trạng khi yêu.
Từ những năm 1970, xường sám không thể cạnh tranh, bị thay thế bởi trang phục phương Tây. Tờ SCMP nhận xét trừ đám cưới và những dịp đặc biệt, trang phục này không có dấu hiệu hồi sinh đến khi In the mood for love công chiếu năm 2000, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ mong muốn mặc lại chiếc váy mang tính biểu tượng.
Gần đây, xường sám được nhiều nhà mốt Trung Quốc phát triển. Guo Pei, Yuner Shao hay Puzhen Zhou thường đưa những chi tiết, kết cấu đặc trưng vào trang phục hiện đại. Kan Hon-wing - chủ cửa hàng may xường sám lâu đời Mei Wah Fashion - chia sẻ với SCMP: "Vài năm qua, nhiều phụ nữ trẻ bắt đầu mặc xường sám, thậm chí nhiều hơn thế hệ cũ. Xường sám không bao giờ lỗi mốt, vì chúng tuyệt đẹp".
(*) Có nhiều bài viết vẫn ghi là "sường sám", "xường xám", "sườn xám"... Nhưng nhà nghiên cứu Hán Nôm Cao Tự Thanh cho rằng phải ghi là "xường sám". Xường sám là âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, âm Việt Hán là Trường sam, chữ Hán viết là 長 衫, chỉ chung các loại áo vạt dài.
Bảo Thư