- Ông đến với con đường nghiên cứu khoa học xã hội và dịch thuật như thế nào?
- Năm 1972, tôi thi vào khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, được theo học ngành Hán Nôm bậc đại học hệ chính quy đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Lớp chúng tôi học với các cụ Cao Xuân Huy, Đỗ Ngọc Toại, chương trình thể nghiệm Hán Nôm nên rất nặng… Thời bao cấp vào được Đại học thì tự nhiên sẽ có việc làm trong cơ quan nhà nước, nên nghiên cứu đối với tôi là một nghề giống như định phận. Còn việc dịch thuật là bất đắc dĩ, sau khi tôi xin ra khỏi biên chế nhà nước, phải sống với cơ chế thị trường.
Dịch giả Cao Tự Thanh. Ảnh: Anh Vân. |
- Làm nhà nghiên cứu và dịch giả tự do, ông gặp phải những khó khăn gì?
- Không có cơ quan chủ quản mà làm nghiên cứu cũng có cái khó, không được ai giáo dục tư tưởng, không được ai định hướng, không được ai trả lương. May là tôi biết thân nên suy nghĩ thì cố gắng tới nơi tới chốn, làm việc thì cố gắng hết sức hết lòng, lại có nhiều bạn bè làm nghề nghiên cứu giúp đỡ, khuyến khích nên còn nghiên cứu được. Đối diện với thị trường suốt 17 năm không có tiền lương, không có bảo hiểm, dịch sai dịch dở người ta không thuê nữa thì chết đói. Thế nên phải chuyên nghiệp thôi!
- Xem công việc dịch thuật là một nghề chuyên nghiệp, dễ bị hiểu nhầm là chạy theo đơn đặt hàng. Ông nói sao?
- Các sách phong thủy, tử vi, bói toán không bao giờ tôi dịch, dù có người trả tiền rất cao. Bởi vì nhiều sách phong thủy Trung Quốc hiện nay rất tào lao, dịch ra chỉ làm hại người đọc. Tôi thích dịch sách nghiên cứu. Trước đây tôi từng chuyển ngữ các quyển Lịch sử lưu manh, Lịch sử ăn mày, Lịch sử cờ bạc, Lịch sử kỹ nữ... nghiên cứu cấu trúc xã hội Trung Quốc cổ. Tôi cũng đang dịch một bộ về lịch sử Trung Quốc.
- Bí quyết trong nghề của ông là gì?
- Học để làm và làm để học. Học mà không làm thì rất dễ quên, vì đó là những kiến thức nằm ngoài hoạt động sống của mình. Bạn cứ đọc hết một quyển từ điển rồi nghĩ lại xem mình nhớ được bao nhiêu chữ. Nhưng nếu bạn tra từ điển toét mắt ba ngày để dịch một chữ thì lần sau gặp lại nó bạn sẽ nhớ ra ngay.
Kiến thức chỉ là của mình khi nào nó gắn liền với công việc của mình. Còn làm việc gì mà không học thêm được thì chỉ là lặp lại một số thao tác nhàm chán. Chẳng hạn nhờ dịch quyển Lịch sử thương nhân, tôi mới thấy rõ hơn về quan hệ giữa thương nhân Trung Quốc với Nho giáo, từ đó hiểu thêm về Nho giáo Việt Nam.
- Mọi người nhận xét "Cao Tự Thanh là một trong những dịch giả tiếng Hoa uy tín nhất hiện nay". Còn ông đánh giá về mình như thế nào?
- Tôi nghĩ có nhiều người giỏi hơn tôi, nhưng tôi biết nhiều thứ nên dễ làm thuê thôi. Dịch sử, triết cũng được, dịch văn học cổ cũng được, truyện võ hiệp cũng xong, dịch Hán văn cũng được mà dịch Hoa văn cũng được. Được có nghĩa là thị trường chấp nhận, tức phải chuyên nghiệp.
- Theo ông, tình hình nghiên cứu khoa học xã hội và nền học thuật của nước ta hiện nay đang trong giai đoạn nào?
- Gia nhập WTO thì chúng ta sẽ phải thanh quyết toán với dĩ vãng một cách sòng phẳng. Nhưng việc nghiên cứu khoa học xã hội ở nước ta đang trong tình trạng "Nhà cũ đã đổ mà nền mới chưa thành".
Tư duy bao cấp đang tái hiện trong kiểu cung cấp kinh phí nhân danh thị trường, nên chúng ta chưa có thị trường nghiên cứu khoa học đúng nghĩa. Trong nghiên cứu khoa học thì lao động không đồng nghĩa với sản xuất. Lối làm đề tài cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp Nhà nước từ vài mươi tới vài trăm triệu hiện nay, không phải là nhà nước "mua" kết quả sản xuất mà là "mua" quá trình lao động. Tiền thì nhiều hơn cả lương, như vậy thì khó mà tránh được những chuyện tiêu cực.
- Điều mà ông luôn tâm niệm trong nghề nghiên cứu khoa học, lẫn việc dịch thuật là gì?
- Làm hết sức mình và nhìn ra chung quanh xem người ta làm gì và làm thế nào. Phải giỏi một chuyện để biết nhiều chuyện và phải biết nhiều chuyện để giỏi một chuyện.
- Ông chịu áp lực thế nào trong nghề?
- Tôi có con đường của mình mà cũng không sợ gì chuyện bị cạnh tranh. Chỉ là tôi già rồi, không biết còn đi được bao lâu nữa thôi.
- Với những người trẻ muốn dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học xã hội hoặc dịch thuật, ông sẽ gửi đến họ lời khuyên gì?
- Thứ nhất là phải học vì kiến thức của mình chứ đừng ham muốn chuyện nổi tiếng. Có công thì sẽ có danh, nhưng cái cây có hoa thì dễ bị người ta bẻ, càng ít nổi tiếng lại càng dễ sống.
Thứ hai là phải thật cẩn thận, tức phải cố gắng tự phản biện lập luận và kết luận của mình. Thứ ba là phải biết học những người kém hơn hay trẻ hơn mình. Người quân tử cũng có cái dở, kẻ tiểu nhân cũng có cái hay, nhưng sở dĩ người quân tử trở thành quân tử vì học được cái hay của kẻ tiểu nhân, còn kẻ tiểu nhân suốt đời vẫn là tiểu nhân vì chỉ thấy được cái dở của người quân tử.
Sau cùng, điều quan trọng nhất là phải biết mình biết gì và mình muốn gì, vì những người không có năng lực sáng tạo thì chỉ trở thành công chức chứ không thể trở thành nhà khoa học hay dịch giả được đâu.
Anh Vân thực hiện