Một xưởng sản xuất, gia công đồ điện ở làng nghề quê tôi có tổng số vốn chắc chỉ vài tỷ đồng nhưng vẫn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động không cần bằng cấp gì.
Làng nghề này có rất nhiều cơ sở sản xuất như vậy, những cơ sở sản xuất như vậy đã tạo việc làm cho hàng nghìn người khắp nơi. Những người dân của làng nghề này trong cơn sốt đất họ không đầu tư vào bất động sản để làm giàu nhanh, có thể là do tất cả nguồn vốn của họ đã tập trung để cho sản xuất.
Có người nói là họ cũng không thức thời, tuy nhiên qua thực tế thì thấy rằng những đúng đắn trong hướng đi của họ. Chẳng hạn như khi tình hình bất động sản đóng băng như hiện này làm nhiều người buôn bán bất động sản điêu đứng nhưng làng nghề này vẫn ổn định và phát triển bình thường.
Nhiều chủ cơ sở sản xuất ở làng nghề này hiện nay có số vốn hàng tỷ đồng, có thể xây những lâu đài hàng chục tỷ nhờ sản xuất chứ không hề nhờ buôn bán bất động sản. Có được điều này bởi vì họ đã có cơ sở vững chắc. Ngoài ra nhà nước có thể xem xét cho những người trẻ vay vốn trả góp để xây nhà.
Đây là điều vô cùng quan trọng bởi vì rất nhiều người trẻ đã phải ly hương để đi tìm việc với mục đích quan trọng là để xây được cái nhà. Giờ đây nếu như có chính sách vay vốn để xây nhà thì họ có thể không phải ly hương mà vẫn có thể xây được nhà, điều này sẽ thu hút được rất nhiều những người trẻ về các vùng quê lập nghiệp.
Bộ ba tác phẩm quan trọng nhất của nhà Tương lai học Alvin Toffler bao gồm: Cú sốc tương lai, Làn sóng thứ ba, Dịch chuyển quyền lực, được xuất bản từ những năm 1970. Dù tôi đọc khá lâu nhưng tôi vẫn nhớ một điều ông viết trong đó, đại ý: "Trước kia sự phát triển thiên về sự tập trung: chẳng hạn như tập trung về thành phố, đô thị để sinh sống và làm việc. Ngày nay sự phát triển có thêm sự phân tán: không cần tập trung về thành phố, đô thị thì cũng có thể làm việc sinh sống".
Dù ông viết điều này từ những năm 1970 nhưng đối chiếu với tình hình hiện tại thì chúng ta có thể thấy điều này vẫn rất đúng. Đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì chúng ta lại càng thấy được giá trị của nhận định này.
Dịch bệnh Covid-19 cho thấy chuyện làm việc từ xa giờ đây là rất bình thường. Qua Internet thì ở Việt Nam có thể làm việc ở bên Mỹ, ở các vùng quê có thể làm việc ở Hà Nội, Sài Gòn...
Từ dự báo tương lai trên đây của Alvin Toffler và thực tế cuộc sống, liệu chúng ta nên khuyến khích, tạo điều kiện để những người trẻ có trình độ đi về các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.
Chủ trương kêu gọi những người trẻ có tri thức về lập nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa đã được thực thi và đã thu được nhiều thành tựu trong những năm sau hòa bình lập lai, tuy nhiên thời đại mới thì với chủ trương này cần những chính sách mới để chủ trương này có thể thành công.
Nhìn sang nước Mỹ thì chỉ có 2% người dân làm nông nghiệp nhưng nền nông nghiệp của Mỹ vẫn cung cấp đủ lương thực và thực phẩm cho toàn nước Mỹ và xuất khẩu. Bởi vậy ngoài việc kêu gọi những người trẻ có trình độ về nông thôn, miền núi, hải đảo làm nông nghiệp như chính sách của chính phủ Trung Quốc thì chính phủ Việt Nam cũng nên khuyến khích những người trẻ này ngoài làm nông nghiệp thì cần làm những công việc khác nữa.
Nhà nước cần có chính sách để cho những người trẻ này có thể vay vốn để khởi nghiệp, mở các cơ sở sản xuất.
Liên quan đến vấn đề quan trọng này tôi xin được trích dẫn một note vô cùng ý nghĩa, được rất nhiều lượt like/share: "Một nghệ sĩ vĩ cầm đã chơi 45 phút trên tàu điện ngầm New York. Một số người dừng lại, một vài người vỗ tay, và nghệ sĩ vĩ cầm đã tăng được khoảng 30 đô la tiền boa. Không ai biết điều này, nhưng nghệ sĩ vĩ cầm là Joshua Bell, một trong những nhạc sĩ hay nhất thế giới. Trong tàu điện ngầm đó, Joshua đã chơi một trong những tác phẩm phức tạp nhất từng được viết với một cây violin trị giá 3,5 triệu đô la. Hai ngày trước khi anh ta chơi ở Tàu điện ngầm, Joshua Bell đã bán hết 2000 vé trong một rạp hát ở Boston, và chỗ ngồi trung bình khoảng 100 đô la.
Thí nghiệm đã chứng minh rằng điều phi thường trong một môi trường bình thường không tỏa sáng và thường bị bỏ qua và đánh giá thấp. Nhưng không vì thế mà mình lại không nỗ lực trở thành người có giá trị và trở nên phi thường. Hãy đến nơi hiểu giá trị của bạn. Hãy đến nơi bạn được trân trọng...".
Với những chính sách hợp lý của nhà nước và với những khát khao của chính những người trẻ thì sẽ có rất nhiều người trẻ có trình độ đi về những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo lập nghiệp. Điều này sẽ tận dụng được rất nhiều nguồn lực từ những người trẻ có tri thức, sẽ hạn chế rất nhiều những cử nhân thạc sĩ được đào tạo tốn kém đi chạy xe công nghệ.
Giờ đây những người trẻ có tri thức này có thể về các vùng quê để mở trang trại, xưởng sản xuất hoặc đi làm kỹ sư/công nhân lành nghề cho các cơ sở sản xuất, tạo nên sự thịnh vượng cho các vùng quê, góp phần quan trọng để đất nước trở nên thịnh vượng.
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.