Bộ Ngoại giao Ba Lan tối 8/3 bất ngờ thông báo sẵn sàng chuyển máy bay chiến đấu MiG-29 cho Mỹ thông qua căn cứ không quân Ramstein ở Đức, để Washington trực tiếp gửi đến Ukraine nhằm hỗ trợ nước này bảo vệ không phận, khi chiến dịch quân sự của Nga tiếp tục kéo dài.
Tới sáng 9/3, quan chức Mỹ và Ba Lan vẫn tiếp tục thảo luận về kế hoạch chuyển máy bay cho Ukraine. Nhưng chiều cùng ngày, Lầu Năm Góc tuyên bố phản đối ý tưởng này.
"Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cảm ơn người đồng cấp Ba Lan vì sẵn sàng tìm cách hỗ trợ Ukraine, nhưng ông nhấn mạnh rằng chúng tôi không ủng hộ chuyển giao thêm máy bay chiến đấu cho lực lượng không quân Ukraine vào thời điểm này. Do đó, chúng tôi cũng không muốn thấy chúng ở căn cứ của chúng tôi", John Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói về nội dung điện đàm giữa hai bộ trưởng.
Ba Lan, cùng Slovakia, Romania và Bulgaria, là những nước sở hữu tiêm kích MiG-29, loại mà phi công Ukraine đã được đào tạo và rất quen thuộc. Một nguồn thạo tin cho biết yêu cầu cung cấp tiêm kích ban đầu của Ukraine nhắm vào bốn quốc gia này, nhưng Ba Lan là nước đầu tiên sẵn sàng chuyển giao máy bay.
Quan chức Ba Lan cho biết đã đề xuất ý tưởng gửi máy bay tới Ukraine từ rất sớm. Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự hôm 24/2, quan chức Ba Lan đã nói với đối tác Mỹ rằng họ sẵn sàng cung cấp MiG-29 cho Ukraine. Nhưng với nguy cơ gia tăng căng thẳng với Nga, Warsaw thêm rằng họ sẽ cần Washington bù đắp số tiêm kích đã gửi cho Kiev bằng chiến đấu cơ F-16 có tính năng tương đương.
Song Mỹ nói sẽ không có sẵn tiêm kích F-16 cho Ba Lan đến trước năm 2024, vì một số nước đã đặt hàng Mỹ từ trước. Do đó, Ba Lan cảm thấy họ không thể tiếp tục kế hoạch này.
Nhưng áp lực của công chúng đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden gia tăng đáng kể sau khi Tổng thống Zelensky khẩn thiết yêu cầu quốc hội Mỹ tạo điều kiện chuyển giao tiêm kích trong cuộc trao đổi trực tuyến tuần trước.
Trước cuộc trao đổi này, giới chức Mỹ không quan tâm nhiều đến khả năng chuyển MiG-29 cho Ukraine, mà chủ yếu tập trung cho các hỗ trợ an ninh khác, như gửi tên lửa chống tăng và phòng không.
Giới chức Mỹ mô tả đề xuất của Ba Lan không giải quyết được hai vấn đề: thách thức về hậu cần để chuyển máy bay tới Ukraine và khó khăn về chính trị để tránh leo thang căng thẳng với Nga.
Nhưng sau cuộc trao đổi với Tổng thống Ukraine, các nghị sĩ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều lên tiếng ủng hộ đề xuất chuyển tiêm kích cho nước này. Cùng với sự ủng hộ của công chúng, chính quyền ông Biden không còn lựa chọn nào khác ngoài công khai ủng hộ ý tưởng, ngay cả khi một số quan chức tỏ ra hoài nghi.
Ngoại trưởng Blinken hôm 6/3 nói rằng Mỹ đã "bật đèn xanh" cho Ba Lan để gửi chiến đấu cơ cho Ukraine, dù Warsaw nhấn mạnh với Washington rằng họ không thể làm vậy nếu không có phương án bù đắp thích hợp. Với tuyên bố này, Mỹ dường như đã đá quả bóng trách nhiệm về phía Ba Lan, khi cho rằng đây là quyết định do Warsaw tự đưa ra.
Quan điểm này khiến giới chức Ba Lan tức giận và sau nhiều ngày bị chỉ trích vì chậm trễ hành động, Warsaw quyết định ra thông báo mới về chuyển tiêm kích MiG-29 cho Mỹ vào tối 8/3. Một ngày sau, ý tưởng bị Mỹ bác bỏ.
"Cộng đồng tình báo cho rằng chuyển MiG-29 cho Ukraine có thể bị hiểu nhầm là động thái leo thang căng thẳng và kéo theo những phản ứng mạnh mẽ từ Nga, từ đó tăng nguy cơ leo thang quân sự với NATO", Kirby nói. "Do đó, chúng tôi đánh giá việc chuyển MIG-29 cho Ukraine tiềm ẩn rủi ro cao".
Giới chức Mỹ tỏ ra thất vọng khi Ba Lan công khai đề xuất, cho rằng đó dường như là "màn kịch" để dư luận trong nước thấy họ đang làm mọi thứ giúp Ukraine, dù biết rõ các thách thức về hậu cần chưa được giải quyết.
Diễn biến này cho thấy Mỹ và đồng minh có thể đang chạm tới giới hạn về khả năng hỗ trợ Ukraine, đồng thời tránh sa vào xung đột, cũng như hé lộ những rạn nứt tiềm tàng trong liên minh phương Tây được cho là đang rất đoàn kết trước chiến dịch quân sự của Nga.
Mỹ và đồng minh đã có một số biện pháp hỗ trợ Ukraine, như cung cấp vũ khí chống tăng và tên lửa phòng không cho Kiev, áp các lệnh trừng phạt Nga. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói hầu hết khoản hỗ trợ 350 triệu USD cho Ukraine đã được gửi đi. Washington và các thành viên NATO đến nay cung cấp cho Kiev 17.000 tên lửa chống tăng và 2.000 tên lửa phòng không Stinger, theo quan chức Mỹ.
Tuy nhiên, họ phản đối thiết lập vùng cấm bay và cung cấp tiêm kích MiG-29 cho Ukraine, bất chấp những yêu cầu của Tổng thống Zelensky, do lo ngại kéo liên minh vào xung đột trực diện với Nga.
Ngày 9/3, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói quốc gia này sẽ cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến cho Ukraine, nhưng cũng tuyên bố không thiết lập vùng cấm bay.
"Cách tốt nhất để bảo vệ bầu trời là sử dụng vũ khí phòng không mà Anh sẽ cung cấp cho Ukriane", Ngoại trưởng Anh nói trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ với người đồng cấp Blinken.
Ông Kirby nói Lầu Năm Góc tin rằng cách tốt nhất để hỗ trợ Kiev là cung cấp các hệ thống chống tăng và phòng không. Cung cấp chiến đấu cơ "không có khả năng thay đổi đáng kể hiệu quả của không quân Ukraine so với Nga".
"Do đó, chúng tôi tin rằng lợi ích mà động thái cung cấp MiG-29 mang lại là rất thấp", phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói.
Những bình luận của Kirby cho thấy rõ tình thế "đi trên dao" của Mỹ trong nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraine, khi can thiệp nhiều hơn vào cuộc xung đột "có thể làm leo thang căng thẳng với Nga và có nguy cơ kéo NATO vào cuộc chiến", theo các nhà phân tích CNN.
Thanh Tâm (Theo CNN)