Đối với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, mối quan hệ đặc biệt của ông với cả châu Âu và Nga đã biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc có vai trò quan trọng trong các nỗ lực trung gian hòa giải.
"Chúng tôi quyết định nên trở thành những nhà môi giới quyền lực", Ilnur Cevik, cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của Tổng thống Erdogan, đề cập tới các cuộc thảo luận của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm ngoái, khi Nga thất bại trong nỗ lực "đánh nhanh thắng nhanh" ở Ukraine và hai bên liên tục tổ chức đàm phán. "Mọi người đều nhận thấy đây là thời của chúng tôi".
Xung đột Ukraine nổ ra vào thời điểm ông Erdogan đối mặt nhiều rủi ro chính trị. Tỷ lệ ủng hộ ông trong các cuộc thăm dò đã sụt giảm mạnh, khi nỗi bất mãn trong nước về cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng tăng.
Dấu hiệu đầu tiên cho bước ngoặt của ông Erdogan đến vào những tuần đầu cuộc chiến, khi những chiếc máy bay không người lái (UAV) tự sát Bayraktar TB-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất liên tục tập kích các đoàn xe quân sự Nga, giúp Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công vào Kiev. Hình ảnh về những cuộc tập kích bằng UAV Bayraktar đã trở thành biểu tượng cho sức kháng cự của Ukraine.
Những chiếc UAV Bayraktar lập tức giúp nâng vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế, vốn suy yếu trong những năm gần đây. Các nghị sĩ quốc hội Mỹ đã kêu gọi Ankara gửi thêm UAV cho Ukraine. Dù lợi nhuận mà Thổ Nhĩ Kỳ thu về khá nhỏ, bởi UAV Bayraktar chỉ có giá khoảng 5 triệu USD mỗi chiếc, nó đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của Ankara.
Khi Nga bế tắc trong nỗ lực bao vây Kiev trong tháng 3/2022, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận thấy cơ hội trở thành bên trung gian đàm phán giữa Nga, Ukraine và phương Tây.
Kể từ thời điểm then chốt đó, Tổng thống Erdogan đã tận dụng vai trò ngoại giao của mình. Trao đổi với Tổng thống Vladimir Putin vài lần mỗi tháng, ông Erdogan kêu gọi Nga chấp nhận đàm phán hòa bình, đồng thời giúp giảm thế cô lập của Điện Kremlin và làm dịu tác động từ các đòn trừng phạt của phương Tây.
Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng thường xuyên nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông từng đến thăm Ukraine vài tuần trước xung đột và một lần nữa vào tháng 8 năm ngoái, giúp giành được tín nhiệm từ các quan chức Ukraine.
Khả năng đối thoại với các bên đã giúp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo vị trí trung gian cho một số đột phá ngoại giao giữa cuộc xung đột, gồm thỏa thuận mở lại các cảng Biển Đen của Ukraine để nối lại xuất khẩu ngũ cốc và trao đổi hàng trăm tù binh giữa Nga và Ukraine.
Tổng thống Putin dường như nhận thấy ông Erdogan có thể là bạn đồng hành trong mục tiêu làm suy yếu liên minh quân sự phương Tây, theo các cựu quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn bất đồng với các đồng minh trong NATO, đặc biệt là khi Ankara chặn nỗ lực gia nhập liên minh của Phần Lan và Thụy Điển.
"Với ông Erdogan, bạn luôn có thể tạo ra rạn nứt trong NATO và trong tình đoàn kết của phương Tây", Aydin Sezgin, cựu đại sứ Thụy Điển ở Moskva, nói.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Putin coi trọng mối quan hệ với ông Erdogan. "Đó là mối quan hệ đáng tin cậy mà họ đã xây dựng suốt nhiều năm. Tôi thấy ông Putin coi ông Erdogan như một tài sản quý ở Thổ Nhĩ Kỳ", Ilnur Cevik, cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của Tổng thống Erdogan, nói.
Việc ông Putin không lên tiếng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề nhân quyền là chìa khóa cho quan hệ nồng ấm giữa họ, theo những người thân cận với quan hệ này. "Ông Putin không chỉ trích, trong khi một số người bạn phương Tây của chúng tôi đã trực tiếp lên án Tổng thống Erdogan", Huseyin Dirioz, cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga, nói.
Lời đe dọa ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO cũng cho thấy vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh phương Tây. Cáo buộc hai nước chứa chấp lực lượng người Kurd mà Ankara xem là tổ chức khủng bố, ông Erdogan đã thúc đẩy các yêu cầu của mình trong nhiều tuần. Một thỏa thuận sơ bộ đã khiến Thụy Điển phải sửa đổi hiến pháp để tăng cường luật chống khủng bố và dẫn độ hai nghi phạm sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vẫn chưa được Ankara bật đèn xanh.
Thỏa thuận cũng giúp ông Erdogan sắp xếp được cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid hồi năm ngoái với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người khi tranh cử nói rằng Mỹ nên ủng hộ các đối thủ bầu cử của ông Erdogan. Chính quyền Biden cũng đang hy vọng sử dụng thỏa thuận bán tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy sự chấp thuận mở rộng liên minh NATO.
Giới phân tích nói rằng ông Erdogan có thể đạt được những gì ông muốn: đòn bẩy đối với các lãnh đạo phương Tây và cơ hội giành ủng hộ trong nước trước thềm bầu cử. Lập trường cứng rắn của ông với Thụy Điển đã nhận được hoan nghênh từ công chúng, trong đó có cả những người từng ủng hộ phe đối lập.
"Mọi thứ đều nhằm phục vụ các cuộc bầu cử. Mỗi bước đi mà ông ấy thực hiện đều tận dụng bất kỳ cơ hội nào có sẵn", Yasar Yakis, cựu ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, nói.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Erdogan đã tăng lên kể từ đầu xung đột Ukraine. Các cuộc thăm dò cho thấy liên minh cầm quyền của ông nhận được tỷ lệ ủng hộ 44,7% vào tháng 11/2022, tăng từ mức 39,9% trong tháng 1/2022, theo MetroPOLL.
Mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng với Nga là điểm sáng đối với ông Erdogan. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đã tăng 45% trong năm ngoái, khi Ankara bán những mặt hàng mà Moskva không thể nhập từ phương Tây, như sắt thép, quần áo, đồ gia dụng, đồ điện tử và phụ tùng xe cần thiết cho quân đội.
Động thái này khiến Washington và nhiều nước phương Tây gióng hồi chuông cảnh báo, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thực thi lệnh trừng phạt. Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói nước này chỉ thực hiện các biện pháp trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt, chứ không phải các lệnh trừng phạt đơn phương của các nước như Mỹ. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ cũng không dung túng cho những nỗ lực tránh né lệnh trừng phạt với Nga.
Đáp lại, Nga đã cung cấp ngoại tệ cho Thổ Nhĩ Kỳ để tài trợ cho chính sách bảo vệ tiền tệ sau những đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2021 và 2022. Vào tháng 7 năm ngoái, Nga chuyển cho Thổ Nhĩ Kỳ 5 tỷ USD để tiếp tục xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Nga dự kiến gửi thêm 10 tỷ USD cho nhà máy đó.
Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước cho biết Nga cũng đang xem xét hoãn khoản thanh toán nhập khẩu khí đốt 20 tỷ USD cho nước này. Những khoản tiền đó có thể giúp ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ bù đắp hơn 100 tỷ USD chi tiêu năm ngoái để hỗ trợ đồng lira.
"Ông Putin đang công khai ủng hộ Tổng thống Erdogan tái đắc cử", Soli Ozelm, nhà phân tích chính trị và giảng viên cấp cao tại Đại học Kadir Has ở Istanbul, nói. "Đối với ông Putin, việc có ông Erdogan đóng vai trò như một trụ cột trong NATO rất quan trọng".
Ngoài các cuộc bầu cử, ông Erdogan cũng đang giành nhiều sự ủng hộ nước ngoài vì những nỗ lực ngoại giao giữa khủng hoảng. Thỏa thuận ngũ cốc mà Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian giữa Nga và Ukraine đã giúp giảm giá lương thực và nạn đói toàn cầu. Thỏa thuận cũng giúp tạo nền tảng cho việc xuất khẩu thực phẩm và các sản phẩm phân bón Nga.
Tại lễ ký thỏa thuận ngũ cốc ở Istanbul hồi tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Erdogan ngồi bên chiếc bàn lớn trải khăn màu trắng, bên cạnh là Bộ trưởng Quốc phòng Nga, một bộ trưởng của Ukraine và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. "Thế giới đang đến với ông ấy", Jared Malsin và Elvan Kivilcim, hai nhà phân tích của WSJ, nhận định.
Thanh Tâm (Theo WSJ)