Hơn một năm sau khi Tổng thống Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2/2022, cục diện chiến trường rơi vào bế tắc, khi hai bên đều không đạt được bất cứ đòn bẩy nào cả về quân sự lẫn chính trị để hướng tới một thỏa thuận chấm dứt xung đột.
Với tình thế giằng co, bất phân thắng bại trên chiến trường hiện nay, giới phân tích nhận định cuộc chiến sẽ khó có thể kết thúc sớm và thậm chí tăng nhiệt trong năm thứ hai.
"Chắc chắn chưa có dấu hiệu sắp kết thúc. Mỗi bên đều cảm thấy thời gian đang đứng về phía họ và đàm phán lúc này là sai lầm", Jon Alterman, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Mỹ, nói.
Sau một số bước tiến gần đây và chiếm được vài làng ở ngoại ô Bakhmut, tâm điểm giao tranh tại vùng Donbass, Nga có thể đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công lớn hơn, nhằm tạo lợi thế lớn nhất trước khi Ukraine nhận được các khí tài hiện đại của phương Tây.
Trong khi đó, những cam kết viện trợ xe tăng, tên lửa tầm xa của phương Tây khiến Ukraine thêm quyết tâm giữ vững phòng tuyến và chuẩn bị phản công giành lại lãnh thổ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thậm chí tuyên bố nước này đang ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch tấn công Crimea, bán đảo Nga sáp nhập năm 2014.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với ông Zelensky hồi đầu tháng rằng ông "quyết tâm giúp Kiev chiến thắng". Mỹ và NATO cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ Ukraine "đến khi nào còn cần thiết".
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa cuộc chiến sẽ kết thúc với phần thua cho Nga, theo Liana Fix, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Mỹ. Bà Fix cho rằng kịch bản khả thi nhất là những thành tựu quân sự giúp Ukraine có vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán, song giao tranh vẫn tiếp tục ở một số khu vực khi Nga quyết giữ Crimea.
Nga có thể huy động lượng lớn binh sĩ mới, nhưng họ sẽ cần được huấn luyện, trang bị, những vấn đề mà Mosva chưa làm tốt trong cuộc chiến này, theo Fix.
Dimitri Minic, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, cho rằng yếu tố định đoạt tương lai chiến sự có thể nằm ở loại vũ khí mà Ukraine nhận được từ các đồng minh phương Tây.
"Các vũ khí tầm xa độ chính xác cao có thể cho phép quân đội Ukraine chặn đứng đà tấn công của Nga, đồng thời củng cố khả năng phòng thủ và phản công của họ, cũng như làm suy yếu khả năng hồi phục và giành chiến thắng quyết định của Nga", ông nói.
Nhưng chuyên gia này cho rằng ngay cả khi được trang bị lượng lớn xe tăng, tên lửa tầm xa, thắng lợi mang tính "chiến lược" nhất mà Ukraine có thể đạt được là thọc sâu vào tỉnh Zaporizhzhia, cắt đứt hành lang trên bộ nối vùng Donbass với bán đảo Crimea của Nga, chia tách lực lượng Nga thành hai phần riêng biệt.
Ngay cả trong kịch bản đó, Nga vẫn sẽ không bỏ cuộc và tìm mọi cách chặn đứng đà phản công của Ukraine.
"Người Nga sẽ làm bất cứ điều gì, trong đó có huy động thêm lực lượng và tận dụng triệt để mọi nguồn lực của cả đất nước nếu cần, để giữ các vùng lãnh thổ đã kiểm soát và tiếp tục các cuộc tấn công", Minic nói.
Nhà phân tích Alterman cho biết trong trường hợp Ukraine phản công, Nga vẫn có khả năng duy trì sức ép trong thời gian dài, với niềm tin rằng phương Tây sẽ "kiệt sức" và suy giảm hỗ trợ cho Kiev. "Đó là thời điểm họ củng cố thành quả của mình", ông nói.
Trong khi Mỹ củng cố liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine, Nga cũng đang thắt chặt quan hệ với phần còn lại của thế giới, trong đó có Trung Quốc.
Khi nguồn cung vũ khí và sự ủng hộ chính trị với cả hai bên vẫn được duy trì, cả Nga lẫn Ukraine đều không nhận thấy bất cứ lý do nào thúc đẩy họ ngồi vào bàn đàm phán.
Tổng thống Zelensky đã đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm liên quan đến việc Nga công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và rút toàn bộ quân. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đề ra đề xuất hòa bình của riêng họ, trong đó kêu gọi các bên hỗ trợ Moskva và Kiev nối lại đối thoại giải quyết khủng hoảng.
Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc phản đối sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ người dân vô tội. Trung Quốc cũng phản đối những lệnh cấm vận đơn phương không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua.
Nga hoan nghênh đề xuất giải quyết xung đột với Ukraine mà Trung Quốc đưa ra, đồng thời khẳng định sẵn sàng đạt mục tiêu chiến dịch quân sự bằng biện pháp chính trị và ngoại giao. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho biết ông dự định gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bàn về kế hoạch hòa bình do Bắc Kinh đề xuất.
Tuy nhiên, cả Mỹ và NATO đều bày tỏ hoài nghi về đề xuất của Trung Quốc, cho rằng kế hoạch này không phản ánh đầy đủ về cuộc chiến, và Bắc Kinh không đủ độ trung lập để dàn xếp xung đột. Không có sự ủng hộ của phương Tây, những đề xuất Trung Quốc đề ra khó mang lại hòa bình cho Ukraine.
Các cuộc bầu cử cũng có thể ảnh hưởng tới tương lai xung đột, như cuộc tổng tuyển cử ở Ukraine vào tháng 10 và bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2024.
Sự ủng hộ của Mỹ với Ukraine trong năm nay vẫn đảm bảo, song không thể chắc chắn Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ phê duyệt tất cả gói viện trợ cho Ukraine, theo Fix.
Một số chính phủ đồng minh ở châu Âu cũng có thể phải đối mặt với sự mệt mỏi của cử tri và làn sóng phản đối cuộc chiến nếu nó kéo dài.
Fiona Hill, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings ở Mỹ, cho rằng những điều này khiến triển vọng hai bên đạt được thỏa thuận rất mờ mịt.
"Người Nga đang chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi và sẽ không chấp nhận thất bại", Hill nói. "Ông Putin đã tuyên bố rằng Moskva sẵn sàng đánh đổi bất cứ điều gì, đồng nghĩa Ukraine có thể phản công, nhưng Nga sẽ dồn mọi nguồn lực để đối phó, khiến giao tranh không thể sớm chấm dứt".
Thanh Tâm (Theo AFP, AP)