Với sự phát triển của thiết bị điện tử, lĩnh vực bán dẫn cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua. Tuy nhiên, trước căng thẳng thương mại Nhật - Hàn mà đỉnh điểm là lệnh cấm xuất khẩu vật liệu bán dẫn, các chuyên gia cho rằng giá linh kiện điện tử sẽ tăng mạnh thời gian tới do Hàn Quốc là nơi có các công ty cung cấp sản phẩm chip nhớ, bộ xử lý, mạch tích hợp... hàng đầu.
Động thái của Nhật Bản
Trong một tuyên bố hôm 1/7, chính phủ Nhật Bản cho biết kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu ba loại vật liệu quan trọng sang Hàn Quốc, gồm fluorinated polyamides (nhựa nhiệt dẻo), photoresists (chất cản quang) và hydrogen fluoride (hydro florua) - những thành phần không thể thiếu trong chip nhớ và màn hình smartphone. Các công ty Nhật Bản buộc phải xin phép nếu muốn gửi ba hóa chất trên đến Hàn Quốc. Quá trình đó mất khoảng 90 ngày.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng cho biết đang lên kế hoạch tước bỏ một số ưu đãi trong quan hệ thương mại với Hàn Quốc, trong đó bỏ nước láng giềng khỏi "Danh sách Trắng" các quốc gia đáng tin cậy. Điều này sẽ đi kèm với không chỉ 3 mà 850 mặt hàng bị kiểm soát xuất khẩu, trong đó có nhiều chất bán dẫn quan trọng khác, theo IHS Markit.
Theo Garner, doanh số bán hàng toàn cầu của chất bán dẫn đã tăng 12,5% trong năm 2018, đạt doanh thu 474,6 tỷ USD và được dự đoán sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, căng thẳng Nhật - Hàn, cộng thêm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang khiến bối cảnh trở nên ảm đạm.
Hậu quả
Theo CNBC, tranh chấp thương mại Nhật - Hàn có thể gây ra hậu quả nghiêm trong cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trừ khi có một thỏa thuận mang ý nghĩa tích cực được đưa ra trong thời gian tới.
Nhật Bản đóng vai trò quan trọng ở lĩnh vực bán dẫn, cung cấp tới 90% fluorinated polyamides và photoresists, cùng 70% hydrogen fluoride. Còn theo số liệu của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), các công ty sản xuất linh kiện bán dẫn và màn hình cho smartphone của Hàn Quốc nhập tới 94% fluorinated polyamides, 92% photoresists và 43,9% hydrogen fluoride từ Nhật Bản.
Theo hai chuyên gia Lloyd Chan và Shigeto Nagai của công ty tư vấn Oxford Economics (Mỹ), sự thống trị ở mảng vật liệu bán dẫn khiến doanh nghiệp Hàn Quốc gặp khó nếu tìm nguồn thay thế. Ngay cả khi tìm ra, những công ty như Samsung, SK Hynix - hai công ty kiểm soát tới 61% thị trường chip nhớ toàn cầu, theo IHS Markit - nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng hoặc không đủ nguồn cung để thực hiện theo đơn đặt hàng.
"Bất kỳ sự gián đoạn nào cũng là tin xấu đối với khách hàng của họ, bao gồm các hãng công nghệ lớn như Apple hay Huawei", Shigeto Nagai nhận định.
Báo cáo của Citi Research cho thấy, những công ty sản xuất linh kiện bán dẫn của Hàn Quốc hiện đã dự trữ đủ vật liệu để hoạt động trong 20 - 30 ngày. Đây là khoảng thời gian không quá dài và có thể khiến Samsung, SK Hynix hay LG lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Chuyên gia Rajiv Biswas của IHS Markit cũng lo ngại tình thế hiện tại có thể làm cho giá thiết bị điện tử, như điện thoại, PC, máy chủ... tăng cao thời gian tới. "Việc thiếu hụt nguồn chip sẽ khiến ngành di động bước vào giai đoạn khó khăn. Chi phí cho loại linh kiện này bị đẩy lên cao, kéo theo giá thành phẩm tăng mạnh", Biswas cảnh báo. "Người tiêu dùng trên thế giới có thể phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm điện tử so với hiện tại".
Tuy nhiên, khó khăn cũng sẽ bủa vây công ty Nhật Bản. "Các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản luôn có liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu không còn hợp tác, các nhà sản xuất vật liệu Nhật Bản buộc phải vật lộn để tìm đối tác mới", Waqas Adenwala, chuyên gia của công ty nghiên cứu và phân tích thị trường EIU (thuộc tập đoàn Economist), nhận xét.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều hiểu rõ những thiệt hại kinh tế nếu chiến tranh thương mại leo thang. "Hai nước có thể sẽ sớm đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm tàng, không gây tác hại nghiêm trọng đến doanh nghiệp", Lloyd Chan dự đoán.
Hạn chế xuất khẩu Nhật - Hàn khởi nguồn từ cuộc tranh cãi trong việc đền bù thiệt hại cho lao động từ thời chiến tranh. Năm 2018, một tòa án ở Hàn Quốc đã yêu cầu các công ty Nhật Bản đền bù cho lao động bị ép buộc. Nhật Bản không đồng ý vì cho rằng vấn đề đã được giải quyết từ hiệp ước 1965 bình thường hóa mối quan hệ với Hàn Quốc.
Bảo Lâm (theo CNBC)