Đầu tháng 7, Nhật Bản cho biết sẽ áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu polyimide, chất cản quang (resist) và hydro florua độ tinh khiết cao sang Hàn Quốc. Những vật liệu này được LG và Samsung dùng để sản xuất màn hình smartphone hay Samsung và SK Hynix sản xuất chip nhớ. Nhật Bản kiểm soát 70-90% nguồn cung những vật liệu này trên toàn thế giới.
Các công ty Nhật Bản sẽ cần sự cho phép của chính phủ trước khi xuất khẩu những vật liệu trên sang Hàn Quốc và quá trình cấp phép có thể kéo dài tới 90 ngày cho mỗi lần. Điều này sẽ làm chậm tiến độ của LG và Samsung trong việc sản xuất tấm nền OLED, vốn không chỉ dùng trên sản phẩm của mình mà còn cung cấp cho Apple, Huawei và những khách hàng khác.
Ngày 4/7, Hàn Quốc tuyên bố có thể trả đũa các giới hạn xuất khẩu của Nhật Bản liên quan tới vật liệu công nghệ cao. "Chúng tôi không loại từ việc thực thi các biện pháp tương ứng đối với Nhật Bản", Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki nói đồng thời cho biết hàng rào thương mại có thể gây thiệt hại đáng tiếc cho cả hai nền kinh tế.
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đối trọng trong lĩnh vực sản xuất linh kiện công nghệ cao. Ở mảng bộ nhớ lưu trữ, Samsung chiếm 38,4% thị phần trong khi Toshiba của Nhật Bản là 17,5%. Với cảm biến hình ảnh, Sony chiếm một nửa thị trường, Samsung là 20,4%, trong khi đó với tấm nền hữu cơ thì LG và Samsung gần như chiếm trọn thị phần.
Hạn chế xuất khẩu là diễn biến mới nhất trong cuộc tranh cãi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc đền bù thiệt hại cho lao động từ thời chiến tranh. Năm 2018, một tòa án ở Hàn Quốc đã yêu cầu các công ty Nhật Bản đền bù cho lao động bị ép buộc. Nhật Bản không đồng ý vì cho rằng vấn đề đã được giải quyết từ hiệp ước 1965 bình thường hóa mối quan hệ với Hàn Quốc.
Trước đó, Huawei trở thành quân bài trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Chính quyền tổng thống Donald Trump đưa Huawei vào danh sách đen, cấm các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với đại gia viễn thông Trung Quốc. Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi thừa nhận không dự đoán Mỹ sẽ tấn công Huawei kiên quyết đến thế, tác động đến chuỗi cung ứng với quy mô lớn như vậy.
Bảo Anh (theo Bloomberg, Reuters)