Trong lĩnh vực năng lượng, nơi Nga là một đối thủ nặng ký, các biện pháp áp trần giá dầu Nga của EU và G7 đã "đặt dấu chấm hết cho thị trường toàn cầu" đối với nhiên liệu hóa thạch, Patrick Pouyanne, giám đốc điều hành tập đoàn xăng dầu Pháp Totalenergies, cho hay.
"Ý tưởng về giá dầu toàn cầu còn có nghĩa lý gì khi chúng ta quyết định áp đặt giá trần, trong khi những bên mua chính là Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước không áp đặt trừng phạt, có thể mua dầu Nga với một mức giá khác?" Pouyanne đặt câu hỏi. "Đây là điều thực sự mới và chúng ta sẽ trải nghiệm nó trong năm 2023".
Các cường quốc thế giới đang phá bỏ những nguyên tắc thương mại tự do ở nhiều khu vực khác nhau, như việc Mỹ hạn chế bán chip cho Trung Quốc, hay Ấn Độ ngừng xuất khẩu lúa mì. Những đòn giáng này khiến tự do thương mại toàn cầu càng thêm lao đao sau thời kỳ đại dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng trên thế giới.
"Xu hướng thế giới bị phân mảnh đã có từ trước xung đột, nhưng cú sốc kép từ đại dịch và chiến sự Nga - Ukraine đã đẩy nhanh quá trình này", Demarais nói.
Chuyên gia Razoux cho rằng những biến động địa chính trị do xung đột Nga - Ukraine gây ra sẽ có tác động lâu dài, ngay cả khi cuộc khủng hoảng chấm dứt. "Khi chiến sự kết thúc, Nga và châu Âu sẽ không tránh khỏi bị suy yếu, trong khi hai bên được lợi lớn sẽ là Mỹ và Trung Quốc", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo AFP)