"Các binh sĩ Trung đoàn số 255 phá hủy một hệ thống S-300 của quân đội Ukraine. Đừng lo, không ai bị thương trong video", tài khoản Voenacher ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine viết trên ứng dụng Telegram hôm 6/7, kèm theo video lính Nga dùng súng máy PKM phá hủy một xe chở đạn kiêm bệ phóng tên lửa phòng không tầm xa S-300.
OSINTtechnical, tài khoản chuyên theo dõi tình hình chiến sự tại Ukraine, chia sẻ video trên Twitter, cho rằng đây không phải là cách an toàn để phá hủy một bệ phóng tên lửa S-300. Tyler Rogoway, chuyên gia quân sự tại trang War Zone của Mỹ, cũng đồng tình với nhận định này.
Trong video, binh sĩ mặc quân phục dã chiến và đội mũ chống đạn dán quốc kỳ Nga lên đạn khẩu PKM và nhắm vào xe phóng S-300 có sơn ngụy trang dùng họa tiết kỹ thuật số. "Sẵn sàng", binh sĩ này nói trước khi người quay video hô khẩu lệnh "bắn".
Xe phóng S-300 phát nổ dữ dội sau một phát đạn và tạo ra nhiều mảnh văng. Binh sĩ khai hỏa và người quay phim nhanh chóng cúi người tìm chỗ nấp, không rõ tình trạng của hai người sau sự việc.
Thời gian và địa điểm quay video không được tiết lộ. Chưa rõ xe phóng S-300 này bị lực lượng Nga kiểm soát được hay do quân đội Ukraine bỏ lại chiến trường.
Nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng hành động của binh sĩ trong video là rất liều lĩnh, khi ở cách bệ phóng đang phát nổ chỉ vài chục mét. Xe phóng trong video mang ít nhất ba ống phóng đạn, mỗi quả được trang bị đầu nổ phá mảnh nặng 130-150 kg, cùng lượng nhiên liệu cho phép chúng bay xa đến 150 km. Những quả đạn có thể gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí khiến binh sĩ thiệt mạng, nếu họ ở quá gần vụ nổ.
Hiện chưa rõ viên đạn PKM trúng vào đâu khiến bệ phóng tên lửa S-300, vốn có độ ổn định cao, phát nổ dữ dội như vậy. Một số người nêu giả thuyết xe phóng S-300 đã được cài thuốc nổ và kích hoạt cùng lúc với phát đạn súng máy.
Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine chưa bình luận về video.
Không có số liệu chính xác về số hệ thống S-300 Ukraine còn khả năng vận hành. Nước này biên chế các tổ hợp S-300PT, S-300PS sản xuất từ thời Liên Xô cho lực lượng phòng không, cùng phiên bản S-300V cho lục quân với khả năng chống tên lửa đạn đạo.
Giới chuyên gia ước tính Ukraine có khoảng 6 hệ thống S-300 với 36 xe chở đạn kiêm bệ phóng ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong giai đoạn 2004-2014. Căng thẳng leo thang với Nga khiến Ukraine vội vã sửa chữa và đưa vào sử dụng nhiều tổ hợp S-300, với ít nhất 4 khẩu đội được đại tu trong giai đoạn 2014-2015.
Ít nhất 34 xe chở đạn kiêm bệ phóng bị bỏ lại Crimea khi lực lượng Nga tiến vào kiểm soát bán đảo này đầu năm 2014. Quân đội Nga cũng phá hủy hàng chục xe phóng đạn và đài radar của các tổ hợp S-300 Ukraine trong hơn 4 tháng chiến sự.
Vũ Anh (Theo Drive)