Hình ảnh được Chris Pocock, nhà báo Mỹ chuyên về lĩnh vực hàng không, đăng trên chuyên trang Dragon Lady Today hôm 21/2 cho thấy phi công trinh sát cơ U-2 đang quan sát khí cầu Trung Quốc ngay bên dưới. Khoảng cách giữa U-2 và khí cầu gần đến mức bóng của chiếc trinh sát cơ hiện rõ trên nền trắng khổng lồ của quả khí cầu.
Truyền thông Mỹ trước đó cho biết ít nhất hai trinh sát cơ tầm cao U-2S được điều động để giám sát đường bay và thu thập dữ liệu về khí cầu, trước khi vật thể này bị tiêm kích tàng hình F-22 bắn hạ ngoài khơi bang Nam Carolina. Chưa rõ địa điểm bức ảnh được chụp.
Quan chức Mỹ giấu tên hôm 8/2 tiết lộ một phi công U-2 chụp ảnh khí cầu Trung Quốc ở khoảng cách gần và "bức ảnh đã được phổ biến ở Lầu Năm Góc cùng Bộ tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD)".
Giới chuyên gia quân sự cho rằng bức ảnh này thể hiện lý do những chiếc U-2S được huy động thực hiện nhiệm vụ giám sát, vì đây là mẫu phi cơ duy nhất trong biên chế Mỹ đủ khả năng bay cao hơn khí cầu ở độ cao 21 km, cũng như tiếp cận và duy trì khoảng cách trong thời gian dài.
Chưa rõ biên đội U-2S thu được dữ liệu tình báo nào trong quá trình giám sát mục tiêu, nhưng quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ "ảnh độ nét cao từ hoạt động này chứng minh khí cầu Trung Quốc có thể làm nhiệm vụ tình báo tín hiệu".
U-2 Dragon Lady do hãng Lockheed phát triển, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 8/1955. Đây là mẫu trinh sát cơ tầm cao chủ lực của quân đội Mỹ, có thể hoạt động ở độ cao trên 21 km và tầm bay hơn 11.000 km. Máy bay được trang bị nhiều cảm biến hiện đại, có thể thu thập thông tin tình báo từ khoảng cách tới 280 km.
Biến thể U-2S là kết quả của dự án hiện đại hóa nhằm duy trì năng lực trinh sát đường không và tuổi thọ vận hành cho phi đội trinh sát cơ của Mỹ trong thế kỷ 21. Máy bay có thể mang nhiều cảm biến quang - điện tử và chụp ảnh radar, thiết bị tình báo tín hiệu và tác chiến điện tử tùy thuộc nhiệm vụ.
Vũ Anh (Theo Drive)