Trả lời:
Sỏi thận có nhiều loại, do nhiều thành phần hóa học vô cơ và hữu cơ tạo nên. Do đó, có sỏi hợp với loại thuốc này, có sỏi hợp với loại thuốc khác, không phải loại nào cũng có thể điều trị bằng dứa nướng với phèn chua.
Sỏi có nhiều hình thái, có khi chỉ một viên, có khi rất nhiều viên (chúng tôi từng mổ một quả thận lấy ra được 3.668 viên sỏi). Sỏi có thể nằm ở nhiều vị trí trong thận (đài thận, bể thận...). Có khi sỏi đúc khuôn toàn bộ đài bể thận, được gọi là "sỏi san hô". Nếu sỏi còn nhỏ thì có có thể dùng thuốc lợi niệu, chống viêm hoặc đông y để tống ra ngoài, hoặc áp dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể.
Nếu sỏi đã quá lớn hoặc đã choán hết đài bể thận (sỏi san hô) thì việc điều trị bảo tồn (không mổ) hoặc tán sỏi ngoài cơ thể thường không có kết quả. Biện pháp tốt nhất vẫn là phẫu thuật.
Sỏi thận bao giờ cũng dẫn tới hai biến chứng sau:
- Nhiễm khuẩn: Có thể gây viêm thận mủ, có khi còn gây ra nhiễm khuẩn huyết, rất nguy hiểm.
- Tổn thương nhu mô thận tiến triển: Nhu mô thận bị viêm xơ và mỏng dần, làm cho chức năng thận ngày càng suy giảm.
Những diễn biến này có khi rất âm thầm. Nhiều người bị một viên sỏi nhỏ từ thận trôi xuống niệu quản, gây ra những cơn đau quặn thận rất rầm rộ, có khi kèm theo đái máu. Người bệnh dùng thuốc giảm đau, lợi niệu thì các triệu chứng trên hầu như mất hẳn, cứ tưởng là khỏi bệnh. Nhưng khi được kiểm tra thì thận đã phình to (có trường hợp chứa 3-4 lít nước tiểu), nhu mô thận giãn mỏng như tờ giấy bóng và thận đã mất chức năng!
Có trường hợp sỏi bể thận, kiểm tra lần đầu thấy còn bé, còn gây đau âm ỉ vùng thắt lưng, đái máu, đái đục và có sốt. Sau khi dùng kháng sinh, các triệu chứng trên đều mất khiến bệnh nhân tưởng đã khỏi. Sau một thời gian kiểm tra lại thì sỏi đã quá to, choán hết đài bể thận (sỏi san hô), chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng.
Như vậy, bạn đừng vì thấy hết đau mà tưởng là bệnh khỏi. Hãy đến khoa tiết niệu của bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và được điều trị theo phương pháp hữu hiệu nhất.
GS Lê Sĩ Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống