Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hương, Khoa nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết cơn hen cấp thường do kích thích khi tiếp xúc với dị nguyên như khói bụi, ô nhiễm hoặc do nhiễm trùng, thời tiết thay đổi đột ngột. Dấu hiệu cảnh báo sớm bao gồm khó thở, ho, ngứa họng, đau thượng vị, giảm hoạt động, mệt mỏi, kém ăn. Triệu chứng quan trọng nhất là khó thở tăng lên và kém đáp ứng với thuốc, nhất là khi bạn cho trẻ dùng thuốc giãn phế quản mà tình trạng của trẻ vẫn tiếp tục diễn tiến xấu đi.
Bác sĩ khuyến cáo, khi cơn hen tăng lên, bố mẹ có thể cho bé sử dụng thuốc giãn phế quản theo chỉ định của bác sĩ. Hầu hết thuốc giãn phế quản dạng hít có hiệu quả trong khoảng 5-10 phút sau mỗi lần dùng thuốc. Nếu tình trạng của con không cải thiện, phụ huynh cần phải đưa con đến bệnh viện ngay lập tức.
Ngoài ra, bé có thể phải sử dụng thêm các thuốc khác như steroid dạng uống. Thuốc được sử dụng trong một thời gian ngắn để ngăn ngừa hen tiến triển xấu đi nhưng phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý, sử dụng đúng liều thuốc vào thời điểm bác sĩ đã cho. Nếu có hướng dẫn tăng liều hoặc có thể dùng liều thứ hai trong đợt cấp, bố mẹ cần tuân thủ và luôn đi khám bác sĩ nếu con bạn cần tăng liều thuốc hơn liều quy định.
Quan sát theo dõi trẻ, chú ý những dấu hiệu của trẻ như tư thế, ho, khò khè, khó thở. Nếu bạn có đo lưu lượng đỉnh, hãy đo lưu lượng đỉnh 5-10 phút sau mỗi lần dùng thuốc để xem cải thiện của lưu lượng đỉnh. Lưu lượng đỉnh là lưu lượng khí tối đa một người có thể thở ra, tự đo được tại nhà, dễ thực hiện, hỗ trợ chẩn đoán và đánh giá tình trạng hen phế quản, giúp người bệnh có thể theo dõi tình trạng bệnh tại nhà.
Trẻ nên được cho uống nước vừa phải, thở chậm hơn và cố gắng để nghỉ ngơi. Loại bỏ các yếu tố kích thích đang ở xung quanh trẻ như khói thuốc, mùi nước hoa, thuốc xịt...Với những trẻ bị hen suyễn, bố mẹ nên đo lưu lượng đỉnh cũng như ghi nhật ký hàng ngày cần được duy trì theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi và xử trí kịp thời khi lên cơn hen cấp.
Khi trẻ lên cơn hen bao gồm ho, khò khè, khó thở trở nên trầm trọng hơn, cổ co kéo hoặc rút lõm khi thở, trẻ phải chúi đầu về phía trước để thở hoặc cố gắng hít thở,có dấu hiệu nói khó hoặc đi khó thì cần đưa trẻ đi cấp cứu. Nhiều trẻ còn có biểu hiện môi hoặc móng tay của trẻ trở nên tím tái hoặc sau khi dùng thuốc và thời gian tác dụng của thuốc qua.
Trường hợp chưa đến bệnh viện ngay, bạn nên gọi đến bác sĩ hoặc bệnh viện để nhờ sự trợ giúp. Luôn ghi nhớ loại thuốc trẻ đang dùng hay thời điểm dùng thuốc gần nhất để bác sĩ xử trí kịp thời.
Không cho trẻ uống quá nhiều nước, chỉ uống lượng nước vừa phải. Không để trẻ hít thở không khí ẩm ấm từ vòi tắm. Không được tự ý cho con dùng thuốc cảm cúm mà không hỏi bác sĩ.
Thùy An