Bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi, khoa Châm cứu - Dưỡng sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, cho biết chuột rút là hiện tượng co thắt mạnh, không kiểm soát, thường xuất hiện ở các cơ, đặc biệt là ở cơ bắp chân, đùi hoặc bàn chân.
Tình trạng này có thể kéo dài vài giây đến vài phút, thường xảy ra ban đêm. Khi xảy ra chuột rút, người bị thường có cảm giác đau đớn, thậm chí không có khả năng điều khiển hay cử động cơ đó trong chốc lát.
Bác sĩ hướng dẫn, khi xảy ra chuột rút, cần nhẹ nhàng xoa bóp ngay bắp thịt đang bị co. Nếu đang nằm, cần vươn duỗi cơ nhẹ theo chiều đối ngược. Bằng cách kéo đầu ngón chân và bàn lên phía trần nhà, hướng về đầu gối. Người bị chuột rút nên cố gắng đứng dậy, đặt hai tay lên tường, nghiêng người từ từ ra trước, tỳ gót chân xuống giữ cho hết cơn chuột rút.
Hoặc, người bị vọp bẻ có thể ngồi dậy, duỗi thẳng chân và gập bàn chân vuông góc với mặt sàn. Có thể dùng khăn lồng qua lòng bàn chân, hai tay giữ hai đầu khăn, nhẹ nhàng kéo khăn qua lại hướng về phía người. Lúc này đầu gối phải luôn duỗi thẳng. Lặp lại động tác kéo khăn đến khi hết chuột rút hoàn toàn.
Nếu có người hỗ trợ, nên ngồi và duỗi thẳng chân để người giúp nắm bàn chân, nâng chân và chỉ gập bàn chân nhẹ nhàng về phía mình. Phần đầu gối vẫn luôn giữ thẳng.
Theo quan điểm y học cổ truyền, chuột rút ở chân có liên quan đến sự bất lưu thông khí huyết và yếu tố lạnh kích thích. Vì vậy, bác sĩ khuyến khích sử dụng ăn các thực phẩm giúp sản sinh khí huyết, thúc đẩy lưu thông như: táo đỏ, gan, hến, vừng, nhãn nhục, nấm, các loại hạt (đậu đỏ, đậu đen)... Bổ sung đủ lượng canxi, từ các loại thực phẩm như: trứng, sữa, đậu nành, súp lơ, cam...
Ngoài ra, xoa bóp bấm huyệt là một biện pháp thúc đẩy tuần hoàn, giảm đau và thư giãn cơ, phòng ngừa chuột rút hiệu quả, bác sĩ Nhi cho hay. Bác sĩ khuyến khích thực hiện bài xoa bóp trước khi đi ngủ. Việc này làm giảm thiểu và ngăn ngừa chuột rút, đồng thời thúc đẩy vận hành khí huyết, thư giãn gân cơ, giảm đau nhức, tạo cảm giác dễ chịu.
Trước khi xoa bóp, cần nắm tay, xát vào giữa lòng bàn tay để làm ấm. Khi tay ấm, dùng ngón cái ấn mạnh vào 5 huyệt vùng chân (gồm Thừa Sơn, Ủy trung, Côn Lôn, Dương lăng tuyền, Hậu khê). Mỗi huyệt ấn giữ trong 30 giây.
Sau đó, khép các ngón tay lại, hơi khum bàn tay, vỗ vào các cơ bắp nhẹ nhàng khoảng một phút. Tiếp đến, bóp và véo cuộn cơ bắp bằng cả hai tay, bắt đầu từ mắt cá chân và di chuyển dần dần lên trên. Làm như vậy trong hai phút. Cuối cùng là duỗi thẳng chân, giữ các ngón chân và gập chân lên đầu gối.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chuột rút, đơn giản như vận động quá sức, đứng, ngồi, đặt chân sai tư thế trong thời gian dài gây mỏi cơ; hay đột ngột tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, nước lạnh. Đặc biệt, chuột rút có thể là một triệu chứng gợi ý bệnh lý, như tuần hoàn máu kém, đái tháo đường, parkinson, suy thận, xơ gan, nghiện rượu, tác dụng phụ của thuốc điều trị... Chuột rút có thể là biểu hiện của phụ nữ mang thai.
Bác sĩ Nhi chia sẻ, đa số cơn chuột rút là lành tính, thường bị bỏ qua khi hết cơn. Tuy nhiên, nếu ai bị chuột rút thường xuyên và hay xảy ra ở chi trên và thân mình; sưng tấy đỏ hoặc thay đổi màu da vùng bị chuột rút; cảm giác yếu cơ, rung giật bó cơ vùng chuột rút; đau nhiều hoặc mất cảm giác da thì cần phải gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và hướng dẫn cách phòng ngừa, xử trí thích hợp.
Thư Anh