Thời gian gần đây các lực lượng chức năng đang quyết liệt xử lý các lái xe vi phạm nồng cồn. Mức phạt cũng được tăng lên rất cao.
Mặc dù vẫn có nhiều tranh cãi về mức quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện giao thông và mức phạt "khủng" dành cho hành vi này nhưng nhìn chung việc làm này cũng mang lại một số mặt tích cực đáng kể .
Đó là tai nạn giao thông đường bộ được kéo giảm, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông (người trực tiếp lái xe) được nâng lên.
Viễn cảnh cho một xã hội giao thông văn minh như câu khẩu hiệu "đã uống rượu bia thì không lái xe" có lẽ không phải là điều gì đó quá xa vời.
Tuy nhiên có vẻ như việc xử lý nồng độ cồn hơi được quan tâm hơn những hành vi khác, dù nguy cơ dẫn đến tai nạn cũng không kém. Thậm chí có nhiều hành vi còn tiềm ẩn nguy hiểm hơn rất nhiều như hành vi chạy ngược chiều, lấn làn, chạy quá tốc độ cho phép, vượt ẩu...
Tôi có cảm giác như việc xử lý những hành vi này (cả về triển khai thực hiện và quy định mức xử phạt) đang bị xem nhẹ hơn so với việc xử lý nồng độ cồn đang. Điều đó vô tình dẫn đến sự coi thường của một số tài xế. Tôi thấy nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng dù các tài xế không có nồng độ cồn nào cả.
Bản thân tôi vì công việc phải hay đi lại ngoài đường nên thường xuyên bắt gặp những hành vi vi phạm như đã đề cập trên đây. Hành vi đó có thể đến từ những chiếc ôtô to đùng như container, xe khách giường nằm, đến những chiếc xe hơi sang trọng hay những chiếc mô tô, thậm chí là cả xe đạp...
Có một điều đáng suy nghĩ nữa là bây giờ khi nói về vi phạm giao thông trong các cuộc trà dư tửu hậu hầu như người ta chỉ bàn đến vấn đề nồng độ cồn mà thôi. Người ta nhắc nhau làm sao để đừng "dính" nồng độ cồn. Còn lỡ uống rồi thì làm sao "né" được cảnh sát giao thông...
Để tham gia giao thông an toàn chắc chắn phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Phải xử lý nhiều hành vi vi phạm luật lệ giao thông thì mới mong kéo giảm được số vụ tai nạn giao thông và những thiệt hại (cả về con người và vật chất) do nó gây ra. Từ đó hình thành được ý thức chấp hành luật lệ giao thông trong mỗi người dân một cách tự giác và toàn diện chứ không phải chỉ tìm cách đối phó với từng địa hạt mà ngành chức năng tập trung làm quyết liệt.
Trên thực tế để kiểm soát, xử lý những hành vi như chạy ngược chiều, lấn làn, vượt ẩu, chạy quá tốc độ cho phép... cũng không quá khó và tốn kém như kiểm tra nồng độ cồn. Đối với kiểm tra nồng độ cồn chỉ có cách chặn xe, yêu cầu người điều khiển xe (lái xe) thổi vào thiết bị kiểm tra nồng độ cồn. Còn đối với các hành vi khác ngoài việc tuần tra kiểm soát trực tiếp còn có thể ứng dụng công nghệ hỗ trợ và phạt nguội.
Ngoài ra các cơ quan soạn thảo văn bản xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông cũng nên nghiên cứu nâng các mức xử phạt để tăng tính răn đe, để cho người ta "sợ" như cách người ta sợ phạt nồng độ cồn vậy.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.