Việc quy định tài xế không được lái xe khi đã uống rượu là một quy định phổ biến ở rất nhiều nơi. Ở Mỹ, nồng độ cồn trong máu phải dưới 0,8 g/100ml. Ở Australia là dưới 0,5 g/100ml với những ai đã có bằng "full", còn đối với những người còn dùng bằng "probation" trong ba năm đầu kể từ mới có bằng thì phải là không.
Tuy vậy còn một điều nên lưu ý nữa, đó là ở Mỹ, dưới 21 tuổi mà uống rượu là phạm pháp, ở Australia là dưới 18 tuổi. Vì vậy các bạn trẻ tuổi mà uống rượu vào lại trèo lên xe thì vấn đề không phải chỉ là vi phạm nồng độ cồn, mà còn là phạm tội uống rượu khi chưa đủ tuổi.
Các hình phạt dành cho tội uống rượu lái xe khá phong phú, đa dạng, và cực kỳ nghiêm khắc. Ở mức độ nhẹ nhất là khi bạn đang lái xe thì bị cảnh sát bắt dừng lại và yêu cầu thử nồng độ cồn bằng hơi thở. Nếu bạn có nồng độ cồn vượt quy định, thì cảnh sát sẽ giam xe và giam luôn cả người lái. Sau đó thì bị khởi tố, phải có người bảo lãnh về tại ngoại hầu tra.
Khi ra tòa, hình phạt rất cao. Ở tiểu bang California, lần vi phạm thứ nhất thì sẽ bị giam từ hai ngày tới sáu tháng, tịch thu bằng lái bốn tháng, và phạt 1.000 USD. Đấy là tiền phạt thôi, thực ra thì còn phải thuê luật sư ra tòa, không thì nằm tù hơi lâu. Thông thường thì lần đầu tiên vi phạm sẽ khiến bạn tốn khoảng 10,000 USD (khoảng 240 triệu đồng).
Các lần vi phạm sau đó thì hình phạt sẽ càng tăng, lên tới ba năm tù. Còn như bạn gây ra tai nạn khi lái xe thì thôi rồi. Nạn nhân bị thương thì một năm tù, treo bằng ba năm. Nạn nhân chết thì người vi phạm bị phạt sáu năm tù, treo bằng năm năm. Ngoài ra, còn có những hình phạt khác, như là có người bị bắt phải gắn một cái máy ở tay lái, trước khi lái xe phải thổi vào để đo nồng độ cồn.
Nếu máy đo nồng độ cồn đưa ra kết quả là có nồng độ cồn thì xe sẽ tự khóa, đừng hòng chạy đi. Còn như bạn nhờ ai đó thổi giúp và lái đi khi bạn đang có nồng độ cồn để rồi bị cảnh sát tóm, thì không phải chỉ có bạn mà người "thổi giúp" cũng sẽ được vào tù.
Các hình phạt như vậy khiến cho người dân đều ý thức hạn chế uống rượu khi lái xe. Các thư từ của Sở xe cơ giới (Department of Motor Vehicle) thường có kèm một tờ giấy nhỏ in hình biểu đồ, với cân nặng, uống bao nhiêu rượu thì cần bao lâu để hết cồn trong máu. Hầu như ai cũng biết rằng mình có "khả năng" uống được bao nhiêu thì vẫn còn lái xe được. Với tạng người của người Việt thì bạn có thể uống một chai bia, đợi hai tiếng đồng hồ là nồng độ cồn sẽ về dưới 0,08 g/100ml, có thể lái được.
Việc quy định nồng độ cồn ở mức 0,08 g/100ml giúp người dân giải quyết được các thắc mắc thông thường về việc ăn hoa quả, ăn các món ăn có rượu như bò sốt vang, tôm hấp bia, hay dùng nước súc miệng có cồn. Các món này không thể nào đưa nồng độ cồn quá 0,08 g/100ml được.
Vấn đề của luật Việt Nam hiện nay là cố gắng áp dụng mức 0.0 nhưng hình phạt thì vẫn không đủ nặng, nhất là với những người gây ra tai nạn khi say rượu. Ở Mỹ, nếu bạn gây ra tai nạn thì phải ở lại hiện trường, việc bỏ chạy là một tội hình sự rất nghiêm trọng.
Xử lý nạn uống rượu lái xe là một vấn đề được nghiên cứu kỹ và áp dụng thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Nồng độ cồn ở ngưỡng xử phạt ở trên mức 0.0 và lên tới 0.08 như ở Mỹ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng ở dưới mức này thì khả năng xử lý tình huống và điều khiển cơ bắp không bị ảnh hưởng, mà việc dùng các sản phẩm có cồn nhưng không phải để uống thường hay xảy ra, không việc gì phải yêu cầu 0.0 cho ngừoi dân thắc mắc.
Việc áp dụng mức 0 gây ra phản tác dụng, bởi thực sự và có một số trường hợp vì lý do nào đó mà khi đo vẫn có nồng độ cồn trong hơi thở, nhưng không phải do sử dụng rượu bia. Những người này sẽ phải đối một cách tiêu cực, và họ cũng có lý chứ không phải không.
Khi mức vi phạm nồng độ cồn ở trên ngưỡng 0.0 một chút thì người dân sẽ hợp tác hơn. Còn hình phạt cho người vi phạm thì cần tăng nặng hơn. Đặc biệt là các trường hợp gây ra tai nạn, cho dù là cho bản thân hay người khác thì cứ phạt tù.
Cồn là chất kích thích và nó khiến con người phấn khích và tự tin, trong khi lại làm giảm khả năng điều khiển bắp thịt và giảm khả năng phản ứng nhanh nhạy. Việc "tỉnh táo" do "tửu lượng cao" thật ra chỉ là ảo giác mà thôi.
Luật pháp thì phải xây dựng dựa trên khoa học chứ không phải trên ảo giác. Vì vậy áp dụng nồng độ cồn trên mức 0.0 một chút, nhưng tăng nặng hình phạt là cách để những ai uống rượu biết tránh xa tay lái.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.