Sở hữu chéo là việc doanh nghiệp này nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp khác hoặc thậm chí là sở hữu cổ phần lẫn nhau. Hiện tượng này tồn tại ở mọi nền kinh tế và cũng có rất nhiều ưu điểm như tạo nguồn tài chính dồi dào, bền vững cho các bên hay giảm nguy cơ thâu tóm thù địch lẫn nhau. Nói như ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - "sở hữu chéo không phải tội lỗi". Tuy nhiên, hình thức này, theo ông, lại dễ bị lạm dụng để các cổ đông chi phối và cấp vốn theo mục đích riêng của mình.
Ngoài ra, đồng vốn có thể sẽ chạy lòng vòng ở nhiều nơi, gây ra tình trạng vốn "ảo" như trường hợp của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), lập các công ty đầu tư tài chính rồi vay tiền nhà băng sau đó quay trở lại góp vốn vào ngân hàng. Rủi ro này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến yêu cầu phải tái cấu trúc hệ thống.
Tính đến nay, 8 trong 9 ngân hàng yếu kém về cơ bản đã được xử lý hoặc có phương án tái cơ cấu. Trong đó, phần lớn các phương án xử lý đến từ việc cho phép một hoặc nhóm nhà đầu tư mới có tiềm lực tài chính tham gia sâu để bơm vốn vào ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc này vô tình lại gây ra những lo ngại về vấn đề sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng. Câu chuyện này đã đươc đưa ra mổ xẻ trong hội thảo về rủi ro sở hữu tài chính diễn ra sáng 31/7 ở Hà Nội. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Chính sách công của Fulbright Việt Nam, thay vì tái cấu trúc thực sự để giải quyết vấn đề thanh khoản thì dường như cách dễ nhất là tăng cường sở hữu chéo khi để cho một tập đoàn mới vào đầu tư.
Ngay sau khi xác định 9 ngân hàng yếu kém, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành xử lý lần lượt, chủ yếu theo phương án mua bán sáp nhập. Đến nay, 8 ngân hàng đã được xử lý hoặc được phê duyệt phương án tái cơ cấu. Đầu tiên là vụ hợp nhất 3 ngân hàng: Sài Gòn, Đệ Nhất, Tín Nghĩa. Sau đó là vụ sáp nhập Habubank và SHB. Ngoài ra, TienPhong Bank, Navibank và TrustBank được phê duyệt phương án tự tái cơ cấu thì thương vụ hợp nhất giữa Western Bank và PVFC đến nay cũng gần như thành công. Riêng phương án tái cấu trúc của GPBank vẫn chưa được ngã ngũ. |
"Để có nguồn tiền thực rót vào các ngân hàng yếu kém, chúng ta phải chấp nhận sự tham gia của các nhà đầu tư mới. Như vậy, vô tình lại dùng sở hữu chéo để xử lý các ngân hàng yếu kém", ông Thành phát biểu. Việc này làm gia tăng sở hữu chéo ở hình thức nhà đầu tư lớn nắm doanh nghiệp và ngân hàng.
Vị diễn giả này lấy ví dụ từ trường hợp tái cơ cấu TienPhong Bank hay TrustBank... gần đây với sự tham gia của những nhà đầu tư mới như Tập đoàn Doji và Thiên Thanh. Hay mới đây nhất, tại thương vụ sáp nhập giữa HDBank và DaiABank, trong số những thành viên mới của ban quản trị DaiA Bank cũng có sự đại diện đến từ Sovico Holding - nhóm cổ đông có liên quan đến tổ chức này đang nắm nhiều cổ phiếu và chức vụ quan trọng tại HDBank. Sovico Holdings cũng là cổ đông sáng lập của Techcombank, VIB và hãng hàng không Vietjet Air.
Trên thực tế, để tìm được những nhà đầu tư mới như Doji hay Thiên Thanh, Sovico Holding... cáng đáng các ngân hàng yếu kém không phải nhiệm vụ đơn giản. Đây đều phải là những cái tên có tiềm lực tài chính vững mạnh để đủ lực bơm một lượng tiền sạch (fresh money) vào ngân hàng đang gặp khó khăn. Do đó, cách làm này, dù vô tình gia tăng sở hữu chéo, nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng hợp lý và nên làm.
Trao đổi với VnExpress.net bên lề hội thảo, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, nhà điều hành có lý do của họ khi lựa chọn hình thức này để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Theo đó, mục tiêu quan trọng nhất, dù trong ngắn hạn, là phải ngăn ngừa sự đổ vỡ của hệ thống. "Do đó, việc để các nhà đầu tư với nguồn tiền mới tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng là lựa chọn hợp lý và mang tính tình thế", Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh phân tích.
Bình luận về ý kiến sở hữu chéo càng gia tăng khi tiến hành xử lý các ngân hàng yếu kém, trên góc độ cá nhân, ông Bùi Huy Thọ - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng Ngân hàng Nhà nước - cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, ngay cả những nước như Mỹ, châu Âu cũng có những biện pháp ngoại lệ để xử lý và dẫn đến sở hữu chéo. "Ví dụ khi một tổ chức tín dụng bị đưa vào kiểm soát đặc biệt, có thể cho một ngân hàng khác tham gia tái cơ cấu. Nhưng Luật cũng quy định, sau khi qua giai đoạn này thì dần dần phải thoái vốn", ông Thọ thông tin thêm.
Mô hình một ngân hàng thương mại cổ phần thực chất là một công ty cổ phần đại chúng. Do đó, nếu dùng phương án mua bán sáp nhập (M&A) thì vẫn phải đảm bảo cơ cấu sở hữu đại chúng sau M&A. Thế nhưng, muốn tái cấu trúc lại phải cần một nhà đầu tư lớn có thể chi phối và bơm lượng tiền "tươi". Để giải quyết mâu thuẫn này, theo đề nghị của ông Nguyễn Xuân Thành, nên cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua lại toàn bộ ngân hàng và chuyển đổi hình thức từ ngân hàng cổ phần sang ngân hàng 100% sở hữu như nước ngoài. "Điều này luật đã cho phép và chúng ta không cần sửa luật để cho phù hợp", ông Thành đề nghị.
Là một đại diện độc lập đến từ định chế tài chính nước ngoài, ông Sanjay Kalra - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam - cho biết, càng ở những thị trường tài chính có nền tảng là hệ thống ngân hàng thì sở hữu chéo diễn ra càng nhiều. "Tuy nhiên, lợi ích của nó là ngắn hạn trong khi rủi ro tiềm ẩn của sở hữu chéo lại là dài hạn", ông Kalra nhận định. Theo vị này, ngay cả khi các ngân hàng không có sự liên kết chằng chịt lẫn nhau thì việc quản trị rủi ro khi đứng trước mỗi cú sốc tài chính đã vô cùng khó khăn. Nếu có sự liên quan giữa ngân hàng A, B, C và nhiều đơn vị khác nữa thì khi có sự cố xảy ra sẽ gây rủi ro cho toàn hệ thống, đại diện IMF dẫn chứng.
Ông Kalra kiến nghị, để giải quyết, nên có quy định kiểm soát, giám sát chặt chẽ mối quan hệ tài chính giữa ngân hàng và các công ty con, quỹ đầu tư. "Bên cạnh đó, năng lực giám sát của Ngân hàng Nhà nước phải cải thiện hơn rất nhiều", ông Kalra nêu ý kiến.
Thanh Thanh Lan