- Theo ông, sở hữu chéo trong ngân hàng hiện nay ở mức độ nào?
- Nghiêm trọng. Sở hữu chéo nhiều khi không phải ý tưởng tồi, bởi anh có thể tăng được lợi thế nhờ quy mô, bành trướng thị trường và những sở hữu chéo nó nằm trong chuỗi giá trị thì anh có thể tạo ra giá trị gia tăng cao.
Thế nhưng, sở hữu chéo ở Việt Nam nguy hiểm, hay nghiêm trọng bởi vì nó gắn với những lĩnh vực rủi ro rất cao. Ví dụ sự “lằng nhằng” trong bất động sản, tài chính, ngân hàng, giữa vay thương mại tín dụng và cái gọi là đầu tư tài chính. Và những cái ấy lại cộng hưởng với 3 điều, thứ nhất là hệ thống giám sát, đặc biệt giám sát dòng tiền, của mình chưa tốt.
Một trong những rủi ro xuất phát từ sở hữu chéo theo Tiến sĩ Võ Trí Thành là việc thâu tóm ngân hàng. Ảnh: Nhật Minh. |
Điều thứ hai là các nhóm lợi ích. Điều thứ ba nó lại diễn ra trong bối cảnh không chỉ bên ngoài khó khăn mà trong hệ thống tài chính ngân hàng của mình có nhiều biểu hiện rủi ro, yếu kém. Chính điều ấy làm cho cộng hưởng các vấn đề của sở hữu chéo trở nên nghiêm trọng.
Có 3 rủi ro lớn xuất phát từ sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng, đó là thâu tóm ngân hàng, nợ xấu và tăng vốn ảo, từ đó dẫn đến rủi ro mang tính hệ thống. Một rủi ro nữa từ sở hữu chéo gây ra, đó là tình trạng cho vay thiếu kiểm soát có thể tăng mạnh.
Chẳng hạn khi một tổ chức tín dụng chiếm cổ phần chi phối một ngân hàng khác và biến nhà băng này thành “sân sau” của mình, họ có thể buộc ngân hàng bị chi phối cấp tín dụng cho những dự án không an toàn hoặc cho doanh nghiệp có quan hệ thân thiết.
Ngoài ra, khi các ngân hàng sở hữu cổ phần của nhau, sẽ tạo thành một mạng lưới mà từ đó dễ nảy sinh độc quyền nhóm. Điều này có thể gây xáo trộn trên thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế…
- Sở hữu chéo ở mức độ nghiêm trọng dẫn đến hệ lụy thế nào đối với nền kinh tế?
- Điều đầu tiên là làm tăng tính rủi ro của hệ thống tài chính ngân hàng và điều đó có tác động đến sự bất ổn kinh tế vĩ mô. Thứ hai, đứng về góc độ vi mô, nó làm cho các dòng tiền trở nên khó khăn và cũng tác động tiêu cực đến dòng tín dụng đến với các doanh nghiệp. Thứ ba, nó ảnh hưởng xấu đến sự nhìn nhận của xã hội, tức là liên quan vấn đề xã hội.
- Sở hữu chéo ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi của người gửi tiền hay doanh nghiệp giao dịch với ngân hàng?
- Chắc chắn là có rủi ro, vì sở hữu chéo giảm tính minh bạch, giảm khả năng giám sát và tăng khả năng đổ vỡ của một định chế tài chính. Khi đó người gửi tiền sẽ chịu thiệt hại.
Kinh nghiệm của các nước vào những thời điểm khủng hoảng, cần cải tổ hệ thống tài chính cho thấy, họ đều nâng mạnh số tiền bảo hiểm, thậm chí bảo hiểm 100% giá trị khoản tiền gửi nhằm có được sự ổn định trong quá trình tái cấu trúc hay cải cách để làm lành mạnh hệ thống ngân hàng.
- Theo ông, làm thế nào để gỡ được mớ bùng nhùng sở hữu chéo?
- Có rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu để có thể chỉnh sửa. Ví dụ, vấn đề hệ thống giám sát tài chính, vấn đề minh bạch hóa thông tin, vấn đề tách ra đến mức nào giữa cái gọi là ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại.
Tình trạng nhập nhèm giữa chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay cũng là một trong những yếu tố gây nguy hại cho toàn hệ thống. Việc các ngân hàng thương mại tham gia đầu tư là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính thời gian qua.
Theo Tiền Phong