Sở hữu chéo là vấn đề ở Việt Nam hiện nay rất ít kinh nghiệm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Vấn đề sở hữu chéo giữa đã được cảnh báo từ lâu và pháp luật hiện hành cũng có các quy định ngăn ngừa tình trạng đầu tư lẫn nhau thiếu minh bạch giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn diễn ra và đang có nhiều nhiều hệ lụy.
Từ chỗ là sự tham gia góp vốn của ngân hàng quốc doanh trong một số tổ chức tín dụng đặc biệt, dần dần hình thức đầu tư lẫn nhau giữa các ngân hàng trở nên đa dạng hơn, rắc rối hơn, với sự tham gia của ngân hàng cổ phần, đối tác nước ngoài và gần đây là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Có thể chia sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thành 6 nhóm. Nhóm 1 là sở hữu của các ngân hàng nhà nước và nước ngoài tại các ngân hàng liên doanh. Nhóm 2 là cổ đông chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng cả nhà nước lẫn cổ phần. Nhóm 3 là cổ đông tại các ngân hàng là các công ty quản lý quỹ. Nhóm 4 là sở hữu của các ngân hàng nhà nước tại các nhà băng cổ phần. Nhóm 5 là sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại cổ phần. Nhóm 6 là sở hữu ngân hàng cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân. |
Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Việt Nam hiện có 6 nhóm sở hữu chéo khác nhau (xem bảng). Trong đó, 3 nhóm sở hữu chéo đầu tiên có tính tích cực vì chủ yếu hướng đến việc tăng cường thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và quốc tế, nâng cao năng lực quản trị vốn hiệu quả. Trong khi đó, 3 nhóm còn lại có thể gây ra những nguy cơ xấu cho hệ thống.
Quan hệ sở hữu của các ngân hàng thương mại nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần hình thành chủ yếu để giải quyết việc yếu kém nghiệp vụ ngân hàng cổ phần trong giai đoạn đầu thành lập cũng như trong giai đoạn khủng hoảng 1997-1998.
Hiện có gần 8 ngân hàng cổ phần có quan hệ cổ phần với 4 ngân hàng quốc doanh. Tiêu biểu là Vietcombank, nhà băng này đang sở hữu 11% tại Ngân hàng Quân đội; 8,2% tại Eximbank; 4,7% tại Ngân hàng Phương đông và 5,3% tại Ngân hàng Sài Gòn.
Theo những thông tin các nhà băng công bố, đến nay có ít nhất 6 ngân hàng cổ phần có cổ đông là một ngân hàng thương mại cổ phần khác. Ví dụ như Eximbank sở hữu 10,6% cổ phần tại Sacombank; 8,5% cổ phần tại Ngân hàng Việt Á.
Tại thời điểm bùng nổ ngân hàng cổ phần cổ phần và quỹ đầu tư tài chính, rất nhiều tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã tham gia góp vốn hình thành các tổ chức tín dụng này. Hiện tại có khoảng gần 40 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân sở hữu trên 5% vốn tại các ngân hàng cổ phần.
Với trường hợp ngân hàng có cổ đông lớn là các doanh nghiệp thì rất có thể các ngân hàng này trở thành sân sau, chuyên huy động vốn từ dân để tài trợ cho các dự án của mình - Ủy ban kinh tế phân tích. Mặc dù theo quy định thì họ không được cho cổ đông của mình vay vốn, nhưng vẫn có thể lách quy định này bằng cách cho những công ty con của các doanh nghiệp vay.
Tương tự, việc sở hữu chéo cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp nắm ngân hàng này có thể dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng kia. Như vậy, ba trường hợp sở hữu này đều có nguy cơ dẫn đến việc các ngân hàng thương mại sẽ tiến hành thẩm định vốn vay thiếu cẩn trọng. Nếu điều này xảy ra, theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đây có thể coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu trong hệ thống tăng cao.
Các ngân hàng thương mại góp vốn cổ phần tại ngân hàng khác có thể trở thành sân sau, chuyên huy động vốn từ dân để tài trợ cho các dự án của mình. Ảnh: Anh Quân. |
Tại Hội nghị đầu tư 2012, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại - Thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia - ông Trương Đình Tuyển cũng lên tiếng phản đối hình thức sở hữu chéo. Vị chuyên gia này cho rằng, mặc dù pháp luật không cấm nhưng vấn đề mấu chốt là năng lực quản trị và Việt Nam cần đưa ra luật pháp cụ thể về vấn đề sở hữu chéo.
"Anh có kinh nghiệm không? Nếu lĩnh vực không phải là lĩnh vực chính thì năng lực ít, điều này phải cảnh báo. Như Hàn Quốc, đã làm ngân hàng thì dứt khoát không được đầu tư thêm đa ngành. Sau khi khủng hoảng họ cấm ngay những tập đoàn đó không được đầu tư vào các lĩnh vực khác", ông Trương Đình Tuyển phân tích.
Luật sư Trần Phú Hải cũng thể hiện sự chia sẻ và đồng tình với đề xuất của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại. "Tôi đồng ý, điều này phải ghi trong luật. Cần phải có luật cấm chủ tịch hoặc tổng giám đốc ngân hàng làm lãnh đạo các tập đoàn khác. Nhiều ông chủ ngân hàng có công ty con và tập đoàn khác nên đương nhiên việc ưu đãi vay vốn sẽ dành cho họ. Thế nên doanh nghiệp vừa và nhỏ dù có kế hoạch tốt nhưng đi vay vẫn khó khăn hơn so với các ông đang nắm quyền quản trị và điều hành", vị luật sư này cho biết.
Bình luận về câu chuyện này, ông Võ Trí Thành - Viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) cho biết: "Sở hữu chéo là vấn đề ở Việt Nam hiện nay rất ít kinh nghiệm. Khi Luật các tổ chức tín dụng được thông qua, một trong những sai lầm chết người là xóa bức tường lửa của Ngân hàng Đầu tư và Ngân hàng thương mại". Trong luật tín dụng, vẫn chưa chặt chẽ và rõ ràng phân biệt giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại truyền thống. Theo ông Thành, cần vừa tạo bức tường lửa chặt chẽ vừa tạo sự năng động cho hệ thống để tránh rủi ro.
Viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dẫn câu chuyện sở hữu chéo tại một số nước. Chuyên gia Võ Trí Thành cho biết: "Luật của một số nước như thế này. Anh có thể dùng hình thức ủy quyền để chơi trò chơi tài chính nhưng nếu anh mua cổ phần của một doanh nghiệp ở một tỷ lệ hạn chế nhất định thì phải tự giác báo cáo nhà chức trách. Nếu không báo cáo mà bị phát hiện thì tội vô cùng nặng. Việc này sẽ hạn chế sở hữu chéo để kiểm soát công ty".
Thanh Thanh Lan