Đình đám nhất trong số này là medal mang tên "Bản giao hưởng cao nguyên" từ giải Đà Lạt Ultra Trail 2024 do runner Thịnh Pencil lên ý tưởng. Chiếc medal nhận được "cơn mưa" lời khen từ cộng đồng, được số đông runner tham dự giải mô tả là "chiếc medal đẹp nhất từng được nhận".
Theo Thịnh Pencil, ý tưởng của "Bản giao hưởng cao nguyên" nảy sinh từ 2018. Khi đó, anh hoàn thành cự ly 100miles (160km) ở giải chạy CM6, tại Chiang Mai, Thái Lan, và quá ấn tượng với huy chương là một sản phẩm thủ công của người dân bản địa. Trở lại TP HCM, Thịnh Pencil luôn đau đáu với câu hỏi "Tại sao huy chương chứ phải là huy chương?" và mong mỏi tạo ra một kiểu huy chương đủ lạ có thể lưu trữ giúp người trải nghiệm "chạm vào" là nhớ được những khoảnh khắc "điên rồ" đã trải qua trên đường đua.
Trong một lần treo huy chương lên giá, Thịnh Pencil chợt nghĩ "trước giờ, mình và mọi người đều chỉ treo huy chương, nên giờ mình sẽ là một cái medal đặt đứng, nổi bật hẳn". Bản thân là một người chạy ultra trail, anh cũng trải qua những đêm nằm nghỉ, ngủ trong rừng khi đi race, và trong những đêm tối đó, anh nhận ra âm thanh yên ắng và tinh tế của núi rừng. Vậy là chiếc medal có âm thanh ra đời. Một bông hoa sáu cánh mọc trên một thân cây sáu vòng năm tuổi tượng trưng cho giải Đà Lạt Ultra Trail được 6 năm tuổi, với 6 cự ly khác nhau.
Sau khi ban tổ chức duyệt phương án của Thịnh Pencil rồi công bố vào tháng 1/2024 - hai tháng trước raceday, "Bản giao hưởng cao nguyên" lập tức tạo ra cơn sốt trong cộng đồng. Rất nhiều runner quyết định "xuống tiền" mua bib tham gia vì muốn nhận được huy chương đặc biệt này.
Anh Trần Trung Hiếu, đến từ CLB Hội An Runners và là thành viên Ban tổ chức Duy Sơn Trail Challenge, cũng làm các runner thích thú khi đem đến một chiếc medal bằng gỗ có thể bày biện như vật lưu niệm được. Bản thân cũng là một chân chạy trail, tham gia khắp các giải, anh Hiếu muốn thử một chất liệu khác đặc trưng hơn, nên quyết định tự mày mò.
"Tại sao medal cứ phải là kim loại?", anh đặt câu hỏi và bắt tay làm thử với chất liệu tre. Nhưng ý tưởng này gặp rào cản lớn về chi phí thi công đắt đỏ, hơn 100.000 đồng mỗi sản phẩm. Anh chuyển qua đặt thi công bằng gỗ với mức giá hợp lý khoảng 70.000 đồng một chiếc. "Giải trail tổ chức ở rừng, nên medal đem về bằng gỗ cũng ý nghĩa", anh Hiếu chia sẻ. Sau race, chiếc medal đặc biệt được nhiều runner tại khu vực miền Trung tự hào "khoe" trên mạng xã hội vì là huy chương đặc biệt nhất từng sở hữu.
Đầu tháng 4 này, Vietnam Ultra Trail (VUT) - cộng đồng chạy trail và là nhà tổ chức thử thách "Hàm Lợn Chân Ái" tung ra các mẫu huy chương thiết kế 3D cho sự kiện diễn ra vào 28/4. vật phẩm này ngay lập tức gây chú ý và được bàn luận rôm rả với những ví von giống "chặn giấy" hay "đồ đốt trầm".
Theo chị Ngọc Bích - thành viên ban quản trị, VUT đã đầu tư thiết kế khoảng 500 huy chương gỗ và chất liệu khác, với giá thành cao gấp 4-5 lần giá thành medal bằng kim loại thông thường. Ý tưởng của team đến từ việc có một vật liệu thiên nhiên mô tả địa hình mà mọi người hay tập luyện, và được kiến trúc sư LEAF Atelier, đồng thời là runner trong nhóm thể hiện.
"Huy chương hoàn thành không nhất thiết phải là thứ đeo trên cổ, mà có thể vật phẩm đeo vào túi xách hay bày trên bàn làm việc", chị Ngọc Bích chia sẻ.
Tuy nhiên, những mẫu huy chương độc lạ, khác biệt như trên không phải lúc nào cũng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt. Nhiều runner vẫn thích medal truyền thống bởi chất liệu kim loại bền, dễ bảo quản và không tốn quá nhiều không gian để bày biện. "Giả sử ban tổ chức giải nào cũng chuyển sang tặng medal đặc biệt thì sẽ "quá tải" với những runner tham gia nhiều giải rất phổ biến như hiện nay", runner Minh Phương nói, và ủng hộ những chiếc medal có thể treo gọn.
Trước đây, một số giải chạy, hoặc ba môn phối hợp (triathlon, bơi - đạp - chạy) cũng từng tung ra huy chương bằng chất liệu đặc biệt như gốm sứ. Nhưng vì không thuận tiện trong khâu vận chuyển, bảo quản - một số runner làm vỡ sau khi nhận, nên loại medal này không thật sự phổ biến.
Anh Thịnh Pencil cũng nhận định đây sẽ khó trở thành xu hướng mới vì chi phí gia công medal cao, dù đây có thể là một ngách marketing hợp lý cho ban tổ chức một số giải nhỏ, mới, cần một cú hích trong cộng đồng. Tuy nhiên, runner kiêm nhà thiết kế này cũng cảnh báo về mặt trái. "Tôi không muốn các ban tổ chức quá trập trung vào những thứ lung linh này, mà bỏ qua những yếu tố cơ bản của một giải chạy, như công tác tổ chức, làm đường, cứu hộ...", anh nói.
Chị Ngọc Bích cũng chia sẻ quan điểm này. "Chúng tôi luôn xem cung đường đua và an toàn của người tham gia là ưu tiên cao nhất. Việc sáng tạo ra một huy chương hay vật phẩm chỉ là để VĐV có góc nhìn mới cho cuộc đua, và có thể giúp gia tăng giá trị kinh tế du lịch ở địa điểm thi đấu thông qua chiếc huy chương, nếu vật phẩm đó do người địa phương làm ra, hoặc tượng trưng cho địa phương đó", quản trị viên này cho hay.
Khánh Ly