Mùa hè năm ngoái, 500.000 lọ huyết tương từ mẫu máu của người dân trên khắp nước Mỹ được gửi tới phòng thí nghiệm của tiến sĩ Michael Mina, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan. Những mẫu máu được công ty hiến tặng huyết tương Octopharma thu thập từ đầu tháng 1/2020, khi Covid-19 chưa bùng phát mạnh mẽ.
Mina và các cộng sự sử dụng các mẫu huyết tương cho dự án thử nghiệm Global Immunological Observatory (Quan sát Miễn dịch Toàn cầu). Bằng phương pháp xét nghiệm huyết thanh, nhóm hy vọng tìm ra con đường nCoV lây lan vào nước Mỹ theo từng tuần. Mục tiêu thứ hai là tạo hệ thống giám sát khổng lồ có khả năng kiểm tra mẫu máu trên khắp thế giới, từ đó phát hiện sự hiện diện của các kháng thể với hàng trăm loại virus trong thời gian ngắn. Khi đại dịch tiếp theo càn quét nhân loại, các nhà khoa học đã nắm trong tay thông tin chi tiết, cập nhật về số người đã từng nhiễm virus, phản ứng cơ thể.
Xét nghiệm huyết thanh có thể giúp các nhà khoa học nắm tổng quan một người đã nhiễm những virus nào từ khi còn nhỏ. Những virus chưa từng khiến cơ thể xuất hiện triệu chứng vẫn được phát hiện.
"Cơ thể giống như chiếc máy lưu trữ dữ liệu nhỏ, theo dõi các virus từng xâm nhập cơ thể một cách vô thức", Mina nói.
Theo Derek Cummings, nhà dịch tễ học tại Đại học Florida, xét nghiệm huyết thanh cho ra những kết quả mà xét nghiệm chẩn đoán nhiễm virus thông thường không thể. Với lượng cơ sở dữ liệu lớn và thông tin lâm sàng chi tiết, các nhà nghiên cứu có thể chỉ ra sự khác nhau giữa phản ứng miễn dịch của người không biểu hiện triệu chứng và người bệnh. Xét nghiệm huyết thanh cũng có thể dự đoán mức độ, thời gian đạt miễn dịch cộng đồng trước khi virus lây lan, làm bùng phát dịch.
"Chúng ta đều muốn biết điều gì đã xảy ra trong một cộng đồng, và họ chuẩn bị như thế nào cho một mầm bệnh trong tương lai", Cummings nói.
Phương pháp cũng có thể phát hiện những diễn biến thường bị bỏ qua trong virus. Năm 2015, một nhóm bác sĩ phát hiện dịch Zika sau khi chú ý nhóm trẻ sơ sinh có đầu nhỏ bất thường, chào đời 7-9 tháng sau khi người mẹ nhiễm bệnh. "Nếu có dữ liệu từ xét nghiệm huyết thanh, chúng ta đã có thể phát hiện mầm bệnh trước khi dịch bùng phát", ông giải thích.
Các cuộc khảo sát huyết thanh học thường có quy mô nhỏ và khó tổ chức do cần lấy mẫu máu từ tình nguyện viên. Một vài năm gần đây, nhóm nghiên cứu của Mina đang thảo luận tổ chức một hệ thống giám sát tự động lớn, sử dụng mẫu bệnh phẩm sót lại từ các xét nghiệm thông thường tại phòng thí nghiệm.
"Nếu thiết lập hệ thống từ năm 2019 thì khi nCoV xuất hiện tại Mỹ, chúng tôi đã có sẵn trong tay dữ liệu cho thấy virus đã lây lan ở New York và các bang như thế nào mà không cần các phương pháp khác", Mina chia sẻ.
Ông cho biết dù "quan sát miễn dịch" không thể phát hiện nCoV, nó vẫn hé lộ số ca nhiễm virus họ corona cao bất thường, đã tương tác với hệ miễn dịch bệnh nhân theo cách ngoài dự đoán. Đây có thể là những tín hiệu để chuyên gia y tế bắt đầu giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm, tìm ra "thủ phạm", tạo cơ sở đóng cửa thành phố New York sớm hơn.
Thiết lập một "đài quan sát miễn dịch" có thể gặp trở ngại tài chính, số tiền ước tính lên tới 100 triệu USD. Đồng thời cần sự đồng thuận giữa các bệnh viện, ngân hàng máu và các nguồn cung máu khác, sự đồng ý của bệnh nhân, người hiến máu.
Song, Jessica Metcalf, nhà dịch tễ học tại Princeton, thành viên nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh đây là một dự án đáng đầu tư. Cách đây một vài năm, trong một khảo sát nhỏ, bà và các đồng nghiệp phát hiện khả năng miễn dịch với sởi của người dân Madagascar thấp đáng lo ngại. Dịch sởi bùng phát tại đây năm 2018 đã cướp đi mạng sống của hơn 10.000 trẻ em.
Với lượng mẫu huyết tương khổng lồ trong các tủ chứa, tiến sĩ Mina đang bắt đầu làm xét nghiệm huyết thanh, tập trung vào nCoV. Trong thời gian chờ thiết lập cơ sở thử nghiệm tự động và quy trình xử lý các mẫu, nhóm đã dành thời gian thử nghiệm những lô huyết tương đầu tiên.
"Ý tưởng lớn lao của chúng tôi là thế giới không còn phải chi quá nhiều tiền để thực hiện công việc này. Chúng ta nên tiến hành xét nghiệm huyết tương thường xuyên", Mina nói.
Lê Hằng (Theo NY Times)