"Chẳng có việc làm nào cả. Nhiều người đang phải ngủ ở ga tàu và trong những thùng carton. Một số thì chết dần chết mòn vì đói, nhưng truyền thông ít khi nhắc đến những chuyện này", anh nói.
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã chứng kiến những đợt dịch tương đối nhỏ, với số ca tử vong khoảng hơn 5.300 và phần lớn đất nước không áp lệnh phong tỏa như các quốc gia khác. Với tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%, mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ, Nhật Bản có tiềm lực để vượt qua suy thoái.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho biết những đối tượng dễ tổn thương nhất vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, khi nhìn qua tỷ lệ thất nghiệp và mức lương cho công việc tạm thời của nhóm này.
"Đại dịch, thất nghiệp gia tăng và đồng lương tụt giảm đã đánh một đòn trực tiếp lên người lao động nghèo. Trước đây, chẳng có mấy ai đến những điểm cứu trợ như thế này", Ren Ohnishi, người đứng đầu Trung tâm Hỗ trợ Moyai - một tổ chức chống đói nghèo.
Khoảng 40% người lao động đang làm những công việc tạm thời với mức lương thấp hơn và có thể bị chấm dứt hợp đồng dễ dàng. Nhiều người cũng phải vật lộn để nhận trợ cấp. Anh Yuichiro đến nhiều văn phòng để rồi được thông báo trợ cấp chỉ dành cho người có con, song sự thật là nhiều người lớn còn chẳng có cái ăn.
Hơn 10 triệu người Nhật có thu nhập ít hơn 19.000 USD một năm và cứ 6 người thì có một người thuộc nhóm tương đối nghèo, với thu nhập chưa bằng một nửa tầng lớp trung lưu. Nửa triệu người Nhật đã mất việc trong vòng 6 tháng qua và hậu quả của cuộc suy thoái đang ảnh hưởng tới toàn dân.
"Tầng lớp trung lưu chắc chắn đang khủng hoảng", Kenji Seino, người đứng đầu nhóm cứu trợ phi lợi nhuận Tenohasi, nói.
Nhóm Tenohasi tiếp tế thực phẩm, quần áo, túi ngủ và hỗ trợ y tế cho khoảng 250 người tại quận Ikebukuro sầm uất của Tokyo, đồng thời đưa lời khuyên về việc làm và các dịch vụ công. "Những người vốn đã có hoàn cảnh khó khăn nay phải đối mặt với đại dịch. Họ như đi trên dây thừng và sợi dây đó vừa đứt", Seino nói.
Các chuyên gia cảnh báo khủng hoảng kinh tế có thể đã góp phần làm tăng tỷ lệ tự tử vào cuối năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 1% có thể đến dẫn số trường hợp tự tử tăng thêm 3.000 người một năm, theo ông Taro Saito từ Viện Nghiên cứu NLI.
Phụ nữ là nhóm đặc biệt gặp khó khăn tài chính vì nhiều người làm những công việc tạm thời trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề như bán lẻ, nhà hàng, khách sạn. Các chuyên gia cho biết nữ giới thường ngại tìm sự trợ giúp hoặc xếp hàng nhận thực phẩm, nhưng hiện tại họ đã chứng kiến nhiều bà mẹ mang theo con nhỏ đến các quầy cứu trợ. Seino cho biết, số phụ nữ anh đã giúp đỡ ít hơn 20%, song anh tin rằng nhiều người nữa chưa xuất hiện. "Có những bà mẹ cho rằng con của họ sẽ cảm thấy hổ thẹn vì phải sống nhờ phúc lợi chính phủ", anh nói.
Các nhà hoạt động thừa nhận quy mô đói nghèo ở Nhật Bản nhỏ hơn so với nhiều quốc gia, ngay cả với các nước phát triển khác. Nhưng điều này chẳng có ý nghĩa đối với những người dân đang chật vật kiếm miếng cơm, chỗ ở. Một công nhân xây dựng giấu tên đến quầy tiếp tế ở Ikebukuro cho biết thu nhập hàng tháng của anh đã giảm xuống dưới 200 USD. Tài chính của anh chỉ đủ để trả tiền thuê nhà thêm một lần nữa. "Tôi không muốn phải ra đường. Trời quá lạnh mà tôi thì không biết phải làm gì lúc này", anh nói.
Mai Dung (Theo Japan Times)