Cô Bernice Moran, một phi công, cùng ba con bay từ Dublin, Ireland đến Hong Kong để đoàn tụ với chồng cô, cũng là phi công, sau nhiều tháng xa cách.
"Trong khi đợi kết quả, một số y tá đến chỗ chúng tôi và hỏi: Ai là Zara? Tôi bàng hoàng nhìn họ. Thời khắc tưởng như là hạnh phúc ấy hóa ra lại là ngày tệ nhất cuộc đời tôi", cô Moran tâm sự. Bé Zara nhận kết quả dương tính với nCoV vào ngày sinh nhật 8 tuổi. Theo quy định của Hong Kong, cô bé được đưa đến bệnh viện trong hai tuần, những thành viên còn lại đến khu cách ly tập trung.
Thương con, cô Moran tìm đến "Nhóm hỗ trợ cách ly ở Hong Kong" - một cộng đồng trên Facebook với gần 30.000 thành viên mà cô theo dõi từ trước. Cô nhanh chóng nhận được cuộc gọi từ hai người phụ nữ lạ, khuyên cô không nên hoảng loạn và họ sẽ đến giúp đỡ.
Hôm sau, khi Moran kết nối với Zara qua FaceTime, trong sự ngạc nhiên, cô thấy con gái đang chơi đồ lắp ghép Lego. Được biết, các tình nguyện viên đã chuyển đồ chơi và thức ăn cho Zara, khiến cô bé cảm giác mỗi ngày đều được tổ chức sinh nhật.
Trong buổi đầu thành lập nhóm vào tháng 3/2020, các thành viên tưởng rằng đại dịch chỉ kéo dài trong vài tháng. Hong Kong ngừng tiếp nhận khách du lịch, vì vậy nhóm tập trung giúp đỡ người dân Hong Kong thực hiện cách ly tại nhà. Khoảng 600.000 người từ Trung Quốc đại lục và nước ngoài đã được cách ly tại khu vực này kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo Cục Y tế.
Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài và nhiều quy định được bổ sung, việc nhập cảnh vào Hong Kong trở nên khó khăn. Những quy định mới nhất bao gồm kéo dài cách ly bắt buộc tại khách sạn lên thành 3 tuần và dừng tiếp nhận du khách từ Brazil, Anh, Ireland và Nam Phi.
Các tình nguyện viên hỗ trợ mọi người gửi những mẫu xét nghiệm hoặc các việc lặt vặt. "Chúng tôi đến lấy các mẫu xét nghiệm nước bọt, giao thực phẩm và dắt chó đi dạo", tình nguyện viên Tess Lyons cho biết. Đôi khi, điều người ta cần nhất trong đợt cách ly là ai đó có thể lắng nghe.
Vào tháng 7/2020, anh Jameson Gong tìm đến hội nhóm nhờ mọi người để ý đến mẹ anh. Bà Gong, 83 tuổi, một mình bắt chuyến bay từ New York về Hong Kong để gặp con trai, trước khi chính quyền ra quy định du khách nước ngoài phải cách ly tại khách sạn thay vì ở nhà.
Một số hành khách cũng ở trong nhóm đã đọc được bài đăng của anh Gong và chào hỏi mẹ anh. Bà Gong trở thành người nổi tiếng ở sân bay khi mọi người để ý nhất cử nhất động của bà, rồi cập nhật cho con trai. Nhân vật duy nhất chẳng hay biết gì lại chính là bà cụ. Đội tình nguyện khăng khăng yêu cầu anh Gong quay lại khoảnh khắc anh và mẹ đoàn tụ.
Lina Vyas, giáo sư chuyên ngành chính sách công ở Đại học Giáo dục Hong Kong, cho rằng hoạt động tình nguyện của nhóm đã nuôi dưỡng ý thức cộng đồng từng thiếu vắng ở Hong Kong. Trước đại dịch, nhiều người còn không biết ai sống kế bên nhà mình. Giờ đây, họ kết nối với cả những người lạ trong đợt cách ly.
"Người dân nơi đây thường rất bận rộn, vội vã. Họ không có thì giờ để xem cộng đồng thế nào", giáo sư Vyas cho hay. Các tình nguyện viên cảm thấy ngạc nhiên khi nhiều nguời vẫn tương tác trong nhóm, dù họ không cần trợ giúp nữa. "Mọi người cập nhật tình hình cho nhau, đưa ra lời khuyên để việc cách ly trở nên dễ chịu hơn", cô Lyons cho biết.
Về phần cô Moran, sự giúp đỡ của nhóm tình nguyện nhắc cô về thiên hướng tốt đẹp trong mỗi con người. "Cộng đồng ở Hong Kong đã che chở con gái tôi, an ủi bé trước nỗi đau xa gia đình. Họ giúp xoa dịu một cơn ác mộng thành một chướng ngại vật có thể dễ dàng vượt qua", cô tâm sự.
Mai Dung (Theo New York Times)