Một hàng lối được xếp chỉnh tề khi mỗi thành viên trong đó tin rằng rồi mình cũng sẽ có phần như mọi người khác. Và kẻ phân phối cũng công bằng khi trao cho mỗi người những phần giống nhau, không ai khác ai, kẻ đến trước sẽ có trước.
Sự minh bạch, không dấm dúi cho kẻ quen biết, không luồn lách cho “con ông này, cháu ông kia” sẽ làm cho mọi người tuân theo một niềm tin công bằng mà chấp nhận xếp hàng.
Nếu có một kẻ nào đó vai u thịt bắp, dùng vũ lực để được có ưu thế đến sau mà được trước hoặc là do sự quen biết mà có được ưu thế, thì chỉ cần một cú điện thoại sẽ có ngay những người thuộc cơ quan công quyền, thực thi pháp luật đến để trừng trị và xác lập trật tự, bảo vệ kẻ yếu thế... Nếu được thế thì ai mà không xếp hàng?
Những va chạm giao thông xảy ra thường xuyên, bao giờ cũng là gây gổ, to tiếng và cuối cùng là nắm đấm, có khi là án mạng. Cũng chỉ vì kẻ mạnh nếu không có lỗi thì uy hiếp kẻ yếu để dành ưu thế trong phân xử, hoặc nếu kẻ mạnh có lỗi thì dùng nắm đấm để khỏi phải bồi thường.
Chúng ta cứ kêu gào dân ta không có “ý thức”, truyền thông phỏng vấn bất kỳ ai cũng toàn kêu gào ý thức, ý thức... nhưng mọi sự vẫn vậy.
Một người Việt khi ra nước ngoài sẽ xếp hàng ngay tắp lự khi mua hàng mà không giành giật như khi ở trong nước, chẳng lẽ họ có “ý thức” chóng vánh thế sao? Là bởi, ý thức chỉ hình thành nên trong một xã hội pháp trị, chứ không phải kiểu hô hào “phê và tự phê” được.
Do chúng ta định nghĩa và xây dựng con người trên nền tảng cải tạo, tạo “con người mới” bằng cách kêu gào, xây dựng đại đồng mà không chấp nhận bản chất con người vẫn là con người, vẫn là bản chất tư hữu, vẫn cố tật như mọi loài động vật khác, vẫn là kẻ mạnh hiếp kẻ yếu. Nếu hàng lối mãi mãi không xếp được, “nắm đấm” cứ diễn ra.
Luật pháp thì phải điều chỉnh trên nền tảng riêng tư sẵn có đó, không thể cứ kêu gào sửa đổi với tình anh em thắm thiết, dạy bảo lẫn nhau. Đó là nền tảng của xã hội pháp trị. Pháp trị rồi mới tới lễ trị.
>> Xem thêm: Xếp hàng kiểu độc để săn đồ giảm giá
![]() |