From: Vo Lam Xuan
To: webmaster@vnexpress.net
Sent: Thursday, November 27, 2003 1:33 AM
Subject: Tu viec to chuc ban ve Sea games den chien luoc giao duc y thuc tu giac cua nguoi Viet Nam
Đọc xong các bản tin trên VnExpress, tôi tự hỏi chẳng lẽ ở Hà Nội, chỉ có SVĐ Mỹ Đình mới bán vé SEA Games thôi sao. Thật là hài hước. Chẳng thế mà có biết bao nhiêu người hâm mộ không mua được vé chỉ vì... yếu sức, không chen được. Những kẻ cậy khoẻ mạnh thì chen lấn, xô đẩy cả những cụ già đáng tuổi ông mình, khiến có một cụ bị... ngất. Kẻ có máu mặt hơn người thì... cởi cả áo (trong khi thành phố vừa có chỉ thị phạt những ai cởi áo ra đường làm mất mỹ quan đô thị), dùng mũ cối để "dẹp trật tự" những người yếu thế, nhỏ bé phía trước. Có mặt cảnh sát mà họ còn trèo cả lên phòng bán vé... Quang cảnh ở sân vận động chẳng khác gì người dân ở Palestine biểu tình phản đối quân đội do thái Israel mà đài CNN của Mỹ phát đi hằng ngày.
Vấn đề đặt ra là phải chăng người Việt Nam chưa có văn hoá xếp hàng? Xếp hàng là thể hiện ý thức sự tôn trọng mình và tôn trọng người khác cơ mà? Nếu ban tổ chức biết được tình trạng này thì sao không dựng hàng rào sắt (có thể là thấp đến đầu gối) cho người mua và chỉ định cho nhân viên bán vé không bán cho những kẻ gây rối không chịu xếp hàng. Thứ hai là cảnh sát có mặt để dẹp trật tự mà sao chẳng có chút trật tự nào được lập cả, để cho những kẻ quá khích vẫn ngang nhiên cởi áo, trèo cửa sổ, chen lấn, dùng mũ cối để "dẹp" người yếu hơn. Vậy thì có cảnh sát cũng như không rồi còn gì. Theo tôi nghĩ, để giải quyết triệt để tình trạng này, ban tổ chức SEA Games phải có giải pháp khả thi, hợp lý hơn.
Ở Hàn Quốc, theo tôi biết, người dân và khách du lịch có thể mua vé ở bất kỳ nơi nào vì hầu như ở các địa điểm được coi là trung tâm của thành phố đều có phòng bán vé. Có hai hình thức để mua vé, một là đến các phòng bán vé mua vé trực tiếp. Hai là mua vé gián tiếp bằng cách vào trang web của giải và đăng ký (bạn phải ghi họ tên với tư cách người mua và số chứng minh thư), máy tính sẽ tự động báo cho bạn biết còn vé hay không và nếu còn thì số vé là bao nhiêu, ngày, giờ, số tiền vé... Đăng ký thành công coi như bạn đã mua được vé dù chưa mất đồng nào. Khi nào rảnh, bạn có thể đến bất cứ phòng bán vé nào, thông báo với nhân viên số vé mình đã đăng ký. Người bán vé sẽ hỏi họ tên, số chứng minh thư của bạn, nếu đúng họ sẽ in vé ra, bạn trả tiền và nhận vé. Thậm chí, bạn có thể ngồi ở nhà mà vẫn mua được vé với giá gốc 100%. Ở Hàn Quốc, gần như 100% số người trên 18 tuổi dùng thẻ tín dụng nên có thể mua và trả tiền qua mạng. Người mua chỉ phải trả thêm tiền tem và phong bì gửi mà thôi (nếu ở trong nước thì được gửi miễn phí). Phòng bán vé có hẳn một đội ngũ làm việc chuyển vé kiểu này.
Trên đây chỉ là những kinh nghiệm trong dịch vụ cung cấp vé cho khán giả mà tôi đã được chứng kiến ở Hàn Quốc. Tuy chưa phải là hoàn thiện như ở một số nước tiên tiến hơn như Nhật, Mỹ và các nước châu Âu, nhưng có thể xem đây là kinh nghiệm quý báu cho các nhà tổ chức và các cơ quan hữu quan ở Việt Nam trong công tác quản lý.
Thiết nghĩ, do nhiều yếu tố, Việt Nam là nước phát triển sau, nhưng đó cũng là một lợi thế vì ta có thể tham khảo và học tập các hình thức quản lý mà các nước phát triển đã làm. Cái khó là ý thức của người dân Việt Nam chưa thật tự giác. Song, theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì trách nhiệm đó thuộc về các nhà quản lý, tổ chức. Họ phải làm sao để tập cho người dân khi sử dụng dịch vụ phải làm quen dần với ý thức tự giác như xếp hàng, không chen lấn, không vứt rác bừa bãi... Đồng thời, hệ thống giáo dục ở Việt Nam cũng cần phải có chiến lược cho thế hệ trẻ những ý thức tối thiểu nói trên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tôi hy vọng, ý kiến của tôi cũng là để mỗi công dân VN tự nhìn lại mình về ý thức chung trong quan hệ xã hội, và phải ý thức rõ hơn nữa vai trò của mỗi người đối với tương lai phát triển của đất nước, đặc biệt là những độc giả đang là các nhà quản lý, lãnh đạo nắm vai trò chủ chốt trong xã hội.
Xin cảm ơn ban biên tập đã cập nhật những tin tức về SEA Games cho các độc giả ở xa như tôi.
Kính thư,
Võ Lam Xuân