Đọc bài viết “Người Việt không xếp hàng vì đã mất niềm tin vào sự công bằng”, tôi không đồng ý với quan điểm của tác giả. Tác giả cho rằng niềm tin vào việc xếp hàng của người Việt là quá thấp. Bởi nhiều người phải trả giá từ việc xếp hàng rồi bị chen ngang. Chính vì thế mà người Việt không muốn xếp hàng nữa.
Nếu đúng như lời tác giả nói thì đây là một sự thật khủng khiếp! Nói như vậy, cũng có nghĩa chúng ta làm việc tốt mà không được đền đáp thì sẽ không làm điều tốt nữa hay sao? Tôi không thể lấy lí do vì người khác ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân, muốn tới đích trước, để rồi tôi cũng phải ích kỷ như họ, không thì tôi sẽ bị thua thiệt.
Nếu chúng ta, ai cũng nghĩ như vậy thì chẳng khác nào chính bản thân chúng ta đang bao biện cho một hành động xấu. Mà đã là một điều xấu, dù bất cứ lí do gì thì bản chất vẫn là xấu, cho dù lí do đưa ra vô cùng cao thượng.
Về ‘"văn hóa xếp hàng" của người Việt, trước khi nêu rõ quan điểm, tôi kể câu chuyện này: Trước đây tôi có công tác tại một trường Đại học công lập ở Hà Nội, nơi tôi làm việc ở tại tầng 8 của tòa nhà. Trước đây nhà trường có trang bị một thang máy, giáo viên và sinh viên dùng chung.
Cứ mỗi giờ lên lớp, thang máy thường rất đông vì lớp tan học phía trên đi xuống, lớp sắp vào học phía dưới đi lên. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu các bạn sinh viên đứng đều sang hai bên, chờ cho người bên trong ra hết, rồi mình vào. Đằng này các bạn cứ đứng dàn hàng ngang chen chúc nhau trước cửa thang máy như bức ảnh chen nhau nhận sushi miễn phí vậy.
Mỗi lần tôi đi từ trên xuống mà gặp cảnh này, tôi lại phải mắng các em sinh viên. Tôi mắng hoài, mắng mãi, dần dần các em cũng hiểu. Mỗi lần thang máy xuống mà có tôi, các em thường đứng gọn sang hai bên để người bên trong ra trước (không hiểu nếu không có tôi thì có như vậy không?).
Mỗi một năm học mới, tôi phải lặp lại điệp khúc cũ với khóa sinh viên mới vào. Bên cạnh đó, còn một câu chuyện nhỏ nữa về sự nhường nhịn khi xếp hàng thang máy. Tôi đã chứng kiến rất nhiều giảng viên, thay vì xếp hàng chờ thang máy làm gương cho các em, thì có người lại yêu cầu các em tránh ra để mình lên trước.
Khi tôi góp ý, họ nói rằng vì muốn lên lớp đúng giờ nên phải như vậy, nếu chờ thì có khi muộn mất. Như vậy, tôi hỏi các bạn lí do đó có chính đáng để ngụy biện cho hành động sai của mình không? Mà lí do này, thực tế cũng chẳng chính đáng gì, vì chỉ cần từ nhà đi sớm 5-10 phút là có thể không sợ vào muộn nữa rồi.
Tôi kể câu chuyện này vì muốn chia sẻ các bạn rằng:
Thứ nhất, có nhiều người trẻ vẫn chưa quen (hoặc thậm chí không biết đến) văn hóa xếp hàng. Ở trường, hẳn là ai cũng được dạy về việc xếp hàng nơi công cộng trong môn đạo đức của tiểu học hay giáo dục công dân ở cấp cao hơn.
Tuy nhiên hai môn này theo quan điểm của tôi là không hiệu quả vì phương pháp dạy quá nhàm chán, không đủ để tạo dấu ấn và in hằn trong tâm thức của học sinh. Tuy nhiên những việc nhỏ như xếp hàng vào lớp, xếp hàng đi từ lớp ra sân... từ khi tiểu học cũng đã giúp hình thành khái niệm về xếp hàng cho các em.
Về nhà, hẳn là các em (nhất là khi còn bé) có nhiều dịp đi đây đó với phụ huynh. Nếu trong những lần đi chơi đó, các em được chứng kiến cha mẹ mình xếp hàng nơi công cộng như xếp hàng khi vào công viên, khi chơi trò chơi, khi mua đồ ăn... thì đây sẽ là những dịp rất tốt để các em làm quen với việc xếp hàng.
Với những em đã được làm quen và hiểu rằng hành vi xếp hàng là rất tốt và cần thiết, các em sẽ gương mẫu trong việc xếp hàng sau này, hoặc chỉ cần được nhắc nhở là sẽ làm rất tốt.
Tuy nhiên thực tế là không phải em nào cũng có điều kiện làm quen với việc xếp hàng nơi công cộng. Có em vì ít khi được tiếp xúc xã hội, có em thì được tiếp xúc nhưng lại tiếp xúc phải những cái xấu, có em thiếu người bảo ban, nhắc nhở... Mỗi em một hoàn cảnh. Tôi không trách cũng không đổ lỗi cho ai về việc này.
Thứ hai, có nhiều người lớn vẫn chưa làm gương cho thế hệ sau. Ông bà ta có câu “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”, khi thấy thực tế nhiều người ích kỉ, hay chen ngang như vậy, chúng ta mới chỉ nghĩ họ thật là xấu, mà chưa nhìn lại bản thân xem chúng ta đã từng chen ngang như vậy bao giờ chưa.
Tôi xin hỏi một câu: khi ăn buffet, thấy ở đĩa đồ ăn có người đang lấy, bạn sẽ đứng sau chờ họ lấy xong rồi tiến lên lấy, hay sẽ đứng ngang hàng?
Ngay từ những người đầu tiên, nếu chúng ta không xếp hàng để đến lượt, thì những người sau họ sẽ không bao giờ xếp hàng đâu. Nếu chúng ta nghĩ rằng có 2, 3 người thì sao phải đứng thành hàng, thì người sau sẽ nghĩ: họ dàn hàng ngang được thì sao mình lại phải đứng sau họ? Để điều này rất dễ xảy ra và rõ ràng là lỗi của chính chúng ta mà thôi.
Vậy đâu là giải pháp cho việc xếp hàng nơi công cộng? Tại Hàn Quốc, trên các ga tàu, trước cửa lên xuống tàu đều có sẵn hình các dấu chân đứng theo hàng dọc tại hai bên cửa. Người dân thường đứng dọc theo các dấu chân này.
Bên cạnh đó, màn hình trên tàu điện cũng thường xuyên chiếu các hành vi đúng và sai khi di chuyển bằng phương tiện ở nơi công cộng. Đó đôi khi là những bộ phim hoạt hình vui nhộn của hai chú sâu Larva chen chúc nhau khi đi thang cuốn, đôi khi là những đoạn phim do người thật đóng.
Như vậy, khi muốn người khác xếp hàng, người tổ chức phải tạo điều kiện cho người tham gia xếp hàng. Tại các quán ăn, nếu muốn người khác xếp hàng lấy đồ ăn, chỉ cần để tấm biển nhỏ: Vui lòng xếp hàng khi lấy đồ ăn. Sau đó, nếu thấy ai không thực hiện thì nhắc nhở. Nếu chúng ta làm như vậy, tôi tin là ai cũng sẽ hiểu và vui lòng làm.
Tại các sự kiện lớn, nếu nhân viên an ninh không đảm bảo được việc xếp hàng, thì nên có những barrier tạo thành hàng cho người tới dự ... Việc tuyên truyền giáo dục người dân cũng quan trọng.
Để tạo được văn hóa xếp hàng này, trước mắt chúng ta nên tự giáo dục lại các con em của mình. Hãy tạo điều kiện để chúng có những bài học nhỏ, nhưng cần thiết về cách hành xử nơi công cộng. Tôi luôn tự nhủ lòng mình rằng, nếu gặp phải trường hợp nào chen ngang, thiếu ý thức nơi công cộng, tôi sẽ mắng và lên án kịch liệt.
>> Xem thêm: Muối mặt vì nhiều người Việt tham ăn, tục uống
Chia sẻ bài viết về các vấn đề đời sống, xã hội của bạn tại đây.