Bà Phan Thị Thu Hiền, phó Tổng cục trưởng Đường bộ, trả lời VnExpress về việc tổ chức "luồng xanh" cho xe chở hàng hóa tại TP HCM và nhân rộng trên toàn quốc vào đầu tuần tới.
- Tổng cục Đường bộ đang phối hợp cùng 63 tỉnh, thành xây dựng phương án tổ chức "luồng xanh" hàng hóa liên tỉnh. "Luồng xanh" ở đây được hiểu như thế nào?
- Tổ chức "luồng xanh" liên tỉnh, liên vùng và các tuyến vận tải trên phạm vi cả nước nhằm tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa; vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đi qua khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch trong thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
Việc tạo "luồng xanh" đáp ứng mục tiêu kép, vừa kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời tạo thuận lợi nhất cho vận chuyển hàng hoá thông suốt 24/24h.
Các xe trong diện "luồng xanh" được cấp thẻ nhận diện có mã QR, dán trên cửa kính; ưu tiên đi lại khi qua chốt, không phải quay đầu như các phương tiện khác khi đến khu vực giãn cách; và có thể không phải dừng lại để kiểm tra, đơn vị chức năng chỉ kiểm tra xác xuất một số xe có sử dụng đúng thẻ nhận diện hay không.
Hiện nay, việc triển khai cấp giấy nhận diện phương tiện hoạt động trên "luồng xanh" đang được Sở Giao thông Vận tải TP HCM thực hiện. Đối với các phương tiện hoạt động trên toàn quốc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian sớm nhất, và đưa vào sử dụng phần mềm đăng ký hoạt động trên "luồng xanh" toàn quốc vào tuần tới.
- Một số tuyến quốc lộ ở đồng bằng sông Cửu Long, dù có "luồng xanh" song vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc, vì sao thưa bà?
- Tình trạng trên chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn và đã được tháo gỡ ngay. Như tại cửa ngõ vào tỉnh Tây Ninh, ngày 14/7, khi địa phương bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 và thực hiện "3 tại chỗ" ở các khu công nghiệp; Cần Thơ yêu cầu xe vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh vào thành phố phải test nhanh mặc dù phiếu xét nghiệm của tài xế còn hiệu lực... Những quy định này đã gây ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ.
Với chủ trương tạo "luồng xanh" cho xe chở hàng hóa trên toàn quốc, ngày 15/7, chúng tôi đã công bố phương án phân luồng tổ chức giao thông cho các phương tiện trên 48 hành trình giữa các tỉnh khu vực phía Nam. Các thông tin này được đăng tải và cập nhật trên trang web của Tổng cục Đường bộ.
Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo các sở giao thông vận tải khẩn trương xác định và công bố phương án tổ chức giao thông cho xe chở hàng, chuẩn bị phương án "luồng xanh" trên địa bàn tỉnh để công bố ngay trong trường hợp áp dụng Chỉ thị 16, qua đó đảm bảo hoạt động vận chuyển hàng hoá được thông suốt, không bị đứt gãy.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi tỉnh Long An, Tiền Giang đề nghị nghiên cứu, thí điểm lập chốt kiểm soát dịch bệnh phục vụ hoạt động vận tải hàng hoá (trong thời gian TP HCM và một số tỉnh Tây Nam Bộ áp dụng Chỉ thị 16) tại 4 trạm dừng nghỉ trên Cao tốc TP HCM - Trung Lương và trên quốc lộ 1A đoạn qua Huyện Cái bè, Tỉnh Tiền Giang.
- Hiện mỗi tỉnh áp dụng cách thức kiểm soát y tế khác nhau đối với đội ngũ lái xe vận tải, như yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính 3 ngày hoặc cách ly 14 ngày. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?
- Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế thống nhất tăng thời hạn hiệu lực kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 của lái xe vận chuyển hàng hoá (từ 5-7 ngày); áp dụng đồng bộ, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông.
Trường hợp lái xe vận chuyển hàng hoá có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, nếu chỉ thực hiện xếp/dỡ hàng hoá sau đó quay về thì không bắt buộc phải cách ly y tế.
- Đại diện Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam phản ánh mã QR cấp cho xe chở hàng hóa "chưa thể hiện lộ trình", nên tài xế đi qua trạm nào cũng bị dừng lại để kiểm tra. Tổng cục Đường bộ chỉ đạo giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Chúng tôi đang tìm giải pháp phù hợp nhất. Tuy nhiên, chúng ta đang trong thời kỳ dịch bệnh có những diễn biến phức tạp nhất, với mức độ lây lan nhanh, nguy hiểm nên việc các địa phương lập các chốt kiểm soát là hoàn toàn phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, việc tạo "luồng xanh" đã cơ bản đảm bảo giao thông thông suốt 24/24h, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân, đảm bảo sản xuất kinh doanh vẫn được liên tục, ổn định; đảm bảo cho công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân có liên quan vẫn được đi lại qua các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hướng dẫn các doanh nghiệp in giấy nhận diện phương tiện khổ A4, dán thêm lên kính hai bên cửa xe để thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, hạn chế tiếp xúc để ngăn sự lây lan dịch bệnh.