Chiều 8/7, theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải), các xe được cấp thẻ, gồm: ôtô chở hàng thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh; vận chuyển hàng đến các cảng; xe thuộc các vùng Đông, Tây Nam bộ chở chuyên gia, công nhân; ôtô chở hàng quá cảnh qua TP HCM...
Sau khi được hướng dẫn, các địa phương và các cảng gửi danh sách xe, thông tin liên quan tới hộp thư điện tử (sogtvthcm.gov.vn) hoặc qua tài khoản zalo để Sở Giao thông Vận tải TP HCM từ hôm nay để xem xét, giải quyết trong 24h. Chủ xe sẽ nhận thông báo kèm thẻ nhận diện (có mã tra cứu QR), tương ứng với mỗi phương tiện, tự in ấn, đóng dấu và gắn thẻ lên kính trước để kiểm soát.
Doanh nghiệp vận tải được yêu cầu phải đảm bảo xe chạy đúng lộ trình, mục đích. Tài xế, nhân viên bốc xếp hàng phải có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV, mang theo thẻ nhận diện cùng các giấy tờ liên quan để chốt trực kiểm tra. Lực lượng chức năng phải tạo điều kiện thuận lợi cho xe có thẻ nhận diện, tránh gây ùn tắc.
Doanh nghiệp vận tải cũng được Tổng cục Đường bộ hướng dẫn chạy xe qua TP HCM theo các lộ trình cụ thể thuận lợi đi lại. Trong đó, xe từ miền Tây qua TP HCM về Bình Dương, Bình Phước đi theo các tuyến: quốc lộ 1 - quốc lộ 62 - quốc lộ N2 - tỉnh lộ 8 - đường Huỳnh Văn Cù - quốc lộ 13. Lộ trình khác là cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - quốc lộ 1 - quốc lộ 13.
Hướng từ miền Tây về Đồng Nai và ngược lại theo lộ trình: quốc lộ 1 - quốc lộ 62 - quốc lộ N2 - tỉnh lộ 8 - đường Huỳnh Văn Cù - quốc lộ 13 - Phú Lợi - Mỹ Phước - Tân Vạn - quốc lộ 1K. Lộ trình khác theo hai trục quốc lộ 1 và quốc lộ 1K để đến Đồng Nai.
Hướng từ Long An qua Tây Ninh và ngược lại, xe có thể chạy theo quốc lộ 1 - quốc lộ 62 - quốc lộ N2 - ĐT 825 - ĐT 822 - tỉnh lộ 7 - quốc lộ 22. Lộ trình khác là theo quốc lộ 1, quốc lộ 22.
Hướng từ Tây Ninh qua Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại cũng có hai lộ trình, gồm: quốc lộ 22 - tỉnh lộ 8 - đường Huỳnh Văn Cù - quốc lộ 13 - Phú Lợi - Mỹ Phước - Tân Vạn - ĐT 743A - cầu Đồng Nai - Quốc lộ 51. Lộ trình còn lại là quốc lộ 22 - quốc lộ 1 - cầu Đồng Nai - quốc lộ 51.
TP HCM là đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt thành phố là cửa ngõ phát triển, giao thương giữa miền Đông, Tây Nam bộ và Tây Nguyên, đặc biệt lĩnh vực vận tải, hàng không, cảng biển... Việc đảm bảo giao thông trong bối cảnh TP HCM áp dụng Chỉ thị 16 để việc cung ứng, xuất khẩu hàng hóa của thành phố và nhiều địa phương không bị đứt mạch, ảnh hưởng sản xuất.
Đây lần thứ hai TP HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong bối cảnh ghi nhận hơn 8.500 ca nhiễm, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 27/4, đứng đầu cả nước. Trước đó từ hôm 20/6, hoạt động vận tải hành khách công cộng ở thành phố đã phải dừng theo Chỉ thị 10 và từ ngày mai, xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống cũng ngưng hoạt động. Thành phố hiện cho 400 taxi chạy để chở người dân đến các bệnh viện, trung tâm y tế, trường hợp cấp bách...
Gia Minh