Chị Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, người Bình Định và chuyển vào TP HCM sinh sống từ năm 1997, bắt đầu buôn bán các loại nước giải khát từ năm 2001. Ban đầu, xe nước chỉ bán những loại đồ uống quen thuộc như nước sâm, nước rong biển, nước đắng. Việc buôn bán "khá chậm" do các món nước này đã "quá phổ biến".
"Tôi nghĩ đến việc bán thêm nước dừa bởi loại trái này giúp giải nhiệt và rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu chỉ bán mỗi dừa trái thì quá bình thường. Tôi quyết định làm mới nó", chị Thuỷ chia sẻ.
Chị thử cho thêm mứt tắc (quất) vào nước dừa, thấy "thơm, vị lạ, khá hay" nên mời người nhà cùng thưởng thức. Nhận được phản hồi tích cực, chị Thuỷ bắt đầu kinh doanh đồ uống này và đến nay đã bán được 22 năm, tự tin khẳng định là "người đầu tiên mang dừa tắc đến với đông đảo người dân TP HCM".
Những ngày đầu mở bán, dừa tắc không bán chạy bằng các loại đồ uống khác nhưng lâu dần, nhờ hương vị độc đáo, đồ uống này được nhiều người truyền tai nhau và nổi tiếng hơn. Sau khi dừa tắc được mọi người đón nhận, chị Thuỷ bán thêm dừa dứa nhưng dừa tắc vẫn là cái tên tạo nên thương hiệu của xe nước.
Chiếc xe bán hàng lưu động của chị Thuỷ nằm trên vỉa hè, ngay mặt đường, phân biệt với các hàng khác với chiếc bảng treo ghi địa chỉ số 250 kèm dòng chữ "bán trên 20 năm". Chị mở bán từ 9h đến 23h hàng ngày. Giờ cao điểm của xe nước này là sau 19h; buổi trưa và đầu giờ chiều khách chỉ "lai rai".
Ban ngày, chủ yếu khách mua mang về. Đến tối, khách ngồi lại nhiều hơn, ngay tại vỉa hè chị Thuỷ đặt xe nước và lấy ghế làm bàn. Những khi đông đúc, khách phải ngồi sang cả vỉa hè đối diện. "Tôi nhiều khách quen nên họ hiểu ý. Lúc nào đông, khách sẽ tự xếp hàng gọi nước, lấy ghế và tìm chỗ ngồi phù hợp", chị Thuỷ cho biết.
Ngày thường, chị Thuỷ bán trung bình vài trăm ly dừa tắc. Những ngày cuối tuần, đặc biệt là vào mùa nóng, có thể lên đến 1.000 ly. Không chỉ thu hút người dân địa phương, thức uống này còn được nhiều du khách đến trải nghiệm. Chị Thuỷ cho biết khách du lịch thường đi theo đoàn, có cả khách nội địa lẫn quốc tế.
Một ly dừa tắc bao gồm nước dừa tươi, cùi dừa và mứt tắc tự làm, thành phần không phức tạp nhưng khâu chuẩn bị lại vất vả và mất thời gian. Mỗi ngày, chị nhập dừa tươi từ mối quen ở Bến Tre chuyển lên. Thay vì chặt lấy nước để sẵn, chị Thuỷ chọn cách bán đến đâu làm đến đó. "Lượng khách đông nên gần như người nhà tôi phải chặt dừa liên tục. Sau khi chặt xong sẽ mang ra xe để bán ngay. Cách này tuy vất vả hơn nhưng đảm bảo chất lượng, nước dừa không bị chua", chị Thuỷ cho hay.
Phần cùi dừa được cắt thành lát mỏng, ướp lạnh cùng nước dừa trong xô lớn. Mứt tắc do chị Thuỷ tự làm, tắc cắt sợi, ngào chung với đường phèn và không pha thêm ô mai để giữ mùi thơm đặc trưng của loại quả này. Giá một cốc dừa tắc nhỏ là 15.000 đồng và cốc lớn giá 20.000 đồng. Xe dừa tắc của chị lúc nào cũng phải có hai người đứng bán để khách không phải chờ lâu. Một người sẽ đảm nhận múc nước dừa, người còn lại sẽ thêm mứt tắc và cho vào túi.
Chị Thanh Hương (TP Thủ Đức) biết đến thức uống này qua lời giới thiệu của một người bạn khi chuyển vào TP HCM sinh sống và là khách quen của xe dừa tắc được hơn 3 năm nay.
"Ở ngoài Hà Nội tôi không thấy nhiều người bán món nước giải khát này. Lần đầu thử, tôi ấn tượng với vị ngọt thanh của nước dừa và chua nhẹ của mứt tắc", chị cho biết.
Bên cạnh hương vị, miếng cơm dừa cũng là nguyên liệu được nhiều thực khách yêu thích. Anh Tuấn Lâm (quận 3, TP HCM) nhận xét một ly dừa tắc có mức giá "vừa túi tiền" và "đầy đặn". Nam thực khách đánh giá dừa ở đây được cắt miếng to, giữ được độ giòn. "Hút một ngụm nước dừa, nhai kèm phần cơm dừa rất hợp", thực khách nói.
Vân Khanh