Trước đó hôm 14/11, giao thông nội bộ khu vực ga trong nước sân bay Tân Sơn Nhất được điều chỉnh. Làn A (sát nhà ga) chỉ cho xe chở người vào sân bay. Hai làn B và C dành cho ôtô cá nhân vào đón người. Làn D (trong nhà xe TCP) dành cho taxi và ôtô kinh doanh vận tải đón khách.
Sau điều chỉnh, các xe công nghệ như GrabCar, BeCar... không được vào làn D đón khách mà phải lên các tầng 3, 4, 5 của nhà xe TCP dừng chờ. Việc này khiến khách đi loại xe này phải đi xa thêm, leo lầu cao, thay vì đón xe sát sảnh nhà ga. Tài xế xe công nghệ mỗi lần vào sân bay rước khách mất chi phí 25.000 đồng, thay vì 10.000 đồng như trước.
Trả lời VnExpress chiều 23/11, ông Phạm Vũ Cường, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết sau khi xảy ra vướng mắc cảng đã làm việc với đại diện Grab và Be nhưng các bên chưa thống nhất cách giải quyết. Sân bay Tân Sơn Nhất tạo điều kiện xe công nghệ đón khách phía dưới nhưng phải ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với cảng như các hãng taxi khác. Tuy nhiên, các hãng cho rằng mình là doanh nghiệp cung cấp công nghệ, không phải doanh nghiệp vận tải, nên không thể trực tiếp ký với phía sân bay.
Lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho hay sau khi ký hợp đồng nhượng quyền, các hãng taxi đều phải bố trí nhân sự điều phối xe, sắp tài, đảm bảo trật tự và kiểm soát giá cả. "Vì vậy các hãng xe công nghệ khi ký hợp đồng cũng phải có người điều phối để không xảy ra tình trạng ùn ứ. Tuy vậy phía các hãng lại gặp khó vì họ nói tài xế là đối tác chứ không quản lý như taxi", ông Cường nói và nhìn nhận các hãng xe công nghệ nếu không có động thái gì thì khách đi loại xe này vẫn còn khó khăn.
Theo tìm hiểu của VnExpress, taxi VinaSun ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với mức phí 5-7 tỷ đồng mỗi năm để được vào sân bay đón khách. Ngoài VinaSun, còn có thêm 10 hãng taxi và đơn vị kinh doanh vận tải ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với cảng.
Tại cuộc họp giải quyết vướng mắc chiều 23/11, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam đánh giá việc phân làn bước đầu giúp các đường nội bộ sân bay thông thoáng hơn. Trước đây, một số tài xế xe công nghệ sử dụng cùng lúc nhiều ứng dụng, chạy lòng vòng gây ùn tắc trong sân bay. Vướng mắc chỉ xảy ra với khách đi xe công nghệ phải di chuyển xa hơn và leo lầu đón xe...
Để giải quyết vướng mắc trên, ông Phạm Văn Châu, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư TCP (đơn vị quản lý nhà xe TCP), cho biết sẽ bổ sung thêm hai thang máy với sức chứa 22 người mỗi thang, dự kiến xong trước ngày 1/2/2021 (20/12 âm lịch), nâng tổng số thang máy ở nhà xe lên bốn chiếc, cùng với hệ thống thang bộ. Đơn vị này cũng bố trí thêm nhân sự hướng dẫn và làm thêm các dãy ghế ngồi nghỉ chân cho khách đón xe công nghệ.
Liên quan việc khách có phản ánh khi phân lại làn, tài xế taxi ở làn D chê cước ngắn không đi, lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết đã yêu cầu Hiệp hội taxi TP HCM kiểm soát chặt vấn đề này. Những tài xế vi phạm sẽ bị hãng cắt hợp đồng khai thác xe. Hãng nào để xảy ra vi phạm nhiều lần sẽ không được ký hợp đồng khai thác ở sân bay.
Hiện, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các bên liên quan tiếp tục phối hợp đảm bảo trật tự giao thông tại sân bay. Trong đó, ngoài tăng cường hướng dẫn, sắp xếp đón trả khách, các đơn vị vận tải phải chấp hành nghiêm việc điều chỉnh...
Trước mắt, Sở Giao thông Vận tải đề nghị tăng xe buýt hoạt động ở trong sân bay và phía Cảng vụ Hàng không miền Nam dự kiến bố trí xe buýt đậu ở hai làn B và C, để khách thuận tiện sử dụng. Phía sân bay cũng được đề nghị nghiên cứu xây cầu đi bộ hoặc hầm chui trước ga quốc nội để giảm ùn tắc.
Gia Minh