"Bệnh viện ở đây đã hết chỗ và kể cả khi tìm được giường, người bệnh cũng không được thở oxy. Nhiều người phải lặn lội đến nơi khác như Jaipur, Chandigarh, Lucknow để tìm giường. Đây là cảnh tượng tôi chưa từng thấy. Công việc rất khó khăn nhưng tôi sẽ thấy tệ nếu không giúp họ", bác sĩ Premchand chia sẻ.
Premchand đang làm việc cho một dịch vụ xe cứu thương tư nhân. Theo anh, chuyển bệnh nhân Covid-19 từ nơi này sang nơi khác không hề dễ dàng. Trong mỗi chuyến đi, anh được tài xế và một nhân viên y tế hỗ trợ. Địa điểm mà nhóm anh từng đến trong thời gian gần đây bao gồm Lucknow, Moradabad và Agra ở Uttar Pradesh.
"Cả người và xe đều không nghỉ. Bạn phải đảm bảo có đủ oxy trong xe và chỉ có thể ăn khi bệnh nhân đã đến viện và xe được khử trùng", anh kể.
Khi các bệnh viện ở thủ đô lâm vào cảnh thiếu giường và bình dưỡng khí, một số dịch vụ xe cấp cứu tư nhân hầu như chỉ nhận được yêu cầu chuyển viện từ gia đình bệnh nhân Covid-19. Theo ông Jasbir Singh, chủ sở hữu Công ty Xe cứu thương New Life, mỗi ngày, gần như tất cả các xe cấp cứu của công ty đều chuyển bệnh nhân từ Delhi đến các thành phố Rohtak, Sonepat và Faridabad.
"Chúng tôi có khoảng sáu tài xế. Gần đây, ai cũng chở bệnh nhân đến các bệnh viện ở xa vì tìm giường ở Delhi rất khó. Lượng công việc rất lớn. Điện thoại của chúng tôi liên tục đổ chuông. Các tài xế gần như chỉ được ngủ khoảng 4-5 giờ", ông Singh chia sẻ.
Theo nhân viên của một công ty xe cấp cứu khác, mỗi ngày, họ nhận được khoảng 150 cuộc gọi, trong đó có 50 yêu cầu đi tới các bệnh viện xa. Tại thủ đô, các tài xế làm việc cho Dịch vụ Xe cấp cứu Trung ương (CAT) của Delhi chứng kiến một cuộc khủng hoảng cận kề. Tài xế Tej Bahadur, 43 tuổi, cho biết anh chở khoảng 10-12 bệnh qua nhiều bệnh viện trước khi tìm được nơi tiếp nhận.
"Chúng tôi không thể bỏ mặc họ. Gia đình người bệnh đang rất đau khổ và bị kích động, nhưng chúng tôi phải vững tinh thần và tiếp tục công việc", anh nói.
Công việc bận rộn khiến anh ăn không đúng giờ và ít được nghỉ. "Tôi đã bỏ bữa trưa hai ngày rồi vì không có thời gian. Từ mai, tôi sẽ không mang đồ ăn trưa đi nữa. Gia đình tôi rất lo lắng không biết tôi có trở về hay không".
Theo trợ lý Youdhister Rathi, 53 tuổi, tại văn phòng của CAT điện thoại liên tục đổ chuông cả ngày lẫn đêm. "Người dân thường hoảng sợ khi thấy chỉ số trên máy đo nồng độ oxy giảm và ngay lập tức gọi xe cấp cứu. Chúng tôi luôn yêu cầu họ bình tĩnh và kiểm tra lại. Thời gian qua, chúng tôi không rời nổi điện thoại, chẳng để ý giờ làm việc và tan ca", ông Rathi cho hay.
Bộ Y tế Ấn Độ ghi nhận thêm 379.459 ca nhiễm và 3.647 ca tử vong trong ngày 29/4, nâng tổng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 18.368.096 và 204.812.
Mai Dung (Theo Indian Express)