Khi đại dịch hoành hành ở Ấn Độ, thân nhân người bệnh và các bệnh viện kêu gào thiếu oxy y tế. Loại dưỡng khí này quan trọng mức nào với sự sống người bệnh?
Khi nCoV xâm nhập vào phổi, hệ miễn dịch kích hoạt phản ứng viêm. Phản ứng này kéo dài làm dịch ở các mô tích tụ nhiều hơn, cản trở quá trình trao đổi oxy và gây khó thở. Người bệnh phải thở mỗi lúc một nhanh hơn, từ mức trung bình 14 lần một phút lên đến 30 hoặc 40 lần. Nhịp thở dồn dập càng làm bệnh nhân hoảng loạn.
"Hãy tưởng tượng bạn đang thở qua một chiếc ống hút bé. Bạn có thể làm vậy trong 15-20 giây nhưng thử kéo dài trong 2 giờ mà xem, thậm chí nhiều ngày hoặc nhiều tuần", bác sĩ Jess Mandel, chuyên gia phổi và chăm sóc tích cực của Bệnh viện UC San Diego Health, Mỹ, cho biết.
Theo Kennedth Remy, trợ lý giáo sư chuyên về thuốc dùng trong cấp cứu tại Đại học Washington, bệnh nhân cảm thấy phổi như bị lửa đốt hoặc hàng nghìn con ong châm chích. Có người bị tràn dịch màng phổi nên cảm giác như đang thở trong bùn, trong khi người khác thấy như bị bóp nghẹt.
"Sự hành hạ dữ dội tới mức nhiều người muốn được chết ngay vì cảm giác quá kinh khủng", ông Remy mô tả.
Thông thường với bệnh nhân Covid-19, phương pháp thở oxy qua mũi hay mặt nạ là bước điều trị cơ bản, giúp duy trì độ bão hòa oxy ở mức an toàn 92-96% hoặc 88-92%.
Phương pháp này có ý nghĩa lớn đối với bệnh nhân Covid-19. Một nghiên cứu năm 2020 đăng trên MedRxiv chỉ ra rằng các nước cung cấp oxy cho bệnh nhân Covid-19 tốt hơn thì số ca tử vong cũng thấp hơn. Cùng năm, một nghiên cứu khác đăng trên Tạp chí Lancet kết luận nếu áp dụng liệu pháp oxy từ sớm, bệnh nhân Covid-19 sẽ tránh được việc phải đặt nội khí quản và tăng tỷ lệ sống sót.
Oxy được phát hiện như thế nào?
Nhà hóa học Thụy Điển Carl Wilhelm Scheele phát hiện ra khí oxy vào năm 1772 bằng cách đun nóng kali nitrat, thủy ngân oxit và nhiều chất khác. Năm 1774, nhà hóa học Anh Joseph Priestley cô lập thành công oxy bằng cách đốt nóng thủy ngân oxit và công bố phát hiện của mình ngay trong năm, trước cả Scheele.
Priestly gọi loại khí này là khí khử phlogiston (một chất được giải phóng trong quá trình đốt cháy). Khi hít thử, Priestly thấy phổi nhẹ tênh và dễ chịu. Loại khí mới còn làm ngọn nến cháy sáng hơn. Ông cho rằng nó có thể có lợi cho một số bệnh nhân nhất định, nhưng hít một lượng tinh khiết cũng gây nguy hiểm.
Từ năm 1775 đến 1780, nhà khoa học Antoine Lavoisier nghiên cứu sâu hơn về khí này. Sau nhiều thí nghiệm, ông đã lý giải được vai trò của nó trong quá trình đốt cháy, hô hấp và đặt tên cho khí này là oxy.
Tò mò về tác dụng của loại khí "thần thánh" đối với bệnh nhân, Priestly cùng các kỹ sư, nhà khoa học, trong đó có James Watt, đã thành lập Viện Nghiên cứu Khí nén Birmingham. Tại đây, họ điều trị cho nhiều bệnh nhân bằng oxy. Dù không thành công, nhóm đã chế tạo các dụng cụ và thiết bị cung cấp oxy làm tiền đề cho công nghệ ngày nay.
Công dụng của liệu pháp oxy và những hiểu lầm
Viện Khí nén sau đó giải thể, nhưng oxy vẫn được các thầy "lang băm" sử dụng. Có điều, loại khí họ dùng không phải oxy tinh khiết và chả khác không khí bình thường là mấy. Vì vậy, đến cuối thế kỷ 19, việc điều trị bằng oxy không được coi trọng và tin tưởng.
Năm 1890, bác sĩ người Mỹ Albert Blodgett đã minh oan cho phương pháp này. Blodgett khi ấy điều trị cho một nữ bệnh nhân bị viêm phổi mà ông cho rằng sẽ không qua khỏi. Để giúp cô nhẹ nhàng hơn trong những giờ phút cuối đời, ông cho cô thở oxy. Đây là lần đầu tiên liệu pháp này được thực hiện.
Người bệnh ổn định và thở đều trở lại trước sự kinh ngạc của Blodgett. Ông công bố phát hiện này, cho rằng oxy có thể cứu người và đánh dấu sự trở lại của nó trong lịch sử y khoa. Sau Blodgett, những nhà nghiên cứu khác cũng bắt tay tìm hiểu công dụng của oxy. Họ bơm nó dưới da hoặc qua niệu đạo vào bụng. Kỳ lạ nhất phải kể đến thuốc xổ oxy của bác sĩ J. H. Kellogg.
Trước những thí nghiệm vô lý và kỳ cục đó, bác sĩ người Scottland John Scott Haldane tiến hành nghiên cứu nhằm chứng minh rằng hít thở khí oxy mới có lợi nhất. Oxy phải được cung cấp liên tục với nồng độ cao để đạt hiệu quả mong muốn.
Năm 1917, Haldane hoàn thành công trình nghiên cứu mang tính bước ngoặt của mình, đúng lúc Thế chiến thứ nhất nổ ra và hai phe đều sử dụng khí độc. Ông đã phát triển máy cấp oxy cho binh lính bị trúng độc. Sau nhiều thử nghiệm và thất bại, nước Anh đã chế tạo thành công thiết bị di động, có thể cung cấp oxy ổn định trong thời gian dài.
Tuy nhiên, nhiều bác sĩ phản đối phương pháp thở oxy liên tục. Theo họ, bệnh nhân cần thở oxy ngắt quãng để tránh tác hại tiềm ẩn. Haldane kịch liệt chỉ trích quan điểm này, cho rằng như thế chẳng khác nào đưa người sắp chết đuối lên, rồi lại dìm xuống nước. Nhưng phải mãi đến năm 1962, các nghiên cứu khác mới chứng minh được rằng liệu pháp oxy ngắt quãng gây đau đớn cho bệnh nhân.
Thời gian trôi qua, ngày càng nhiều bác sĩ ủng hộ liệu pháp oxy dài hạn. Năm 1970, một nghiên cứu về người mắc bệnh phổi cho thấy chỉ 28% bệnh nhân qua đời sau khi thở oxy liên tục, trong khi tỷ lệ tử vong ở nhóm không thở oxy là 62%. Kết quả đã làm sáng tỏ vấn đề, mở đường cho những nghiên cứu sau này về lợi ích của oxy.
Mai Dung (Theo Bloomberg, Indian Express, Vox)