Ở các thành phố lớn của Ấn Độ, những con số thống kê không lột tả hết quy mô dịch bệnh và thiệt hại về người trong làn sóng dịch thứ hai. Vùng nông thôn, nơi sinh sống của hơn 800 triệu người Ấn Độ, bức tranh còn mờ mịt hơn.
"Số đông bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại gia mà không được xét nghiệm. Chỉ những người có triệu chứng khó thở nặng mới đến các cơ sở y tế, còn lại nhiều người có bệnh nhưng không được phát hiện", Samirul Islam, chủ tịch của Bangla Sanskriti Mancha, một tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân nông thôn Tây Bengal về Covid-19, nói.
Khi hàng nghìn người Ấn Độ hối hả rời các thành phố đang bùng phát Covid-19 để về quê trước khi bị phong tỏa, các bác sĩ ở nông thôn có dự cảm chẳng lành. Họ biết rõ nhiều người trong đám đông kia sẽ mang theo biến thể nCoV mới đang hoành hành tại các đô thị, khiến số ca nhiễm và tử vong tăng kỷ lục. Khác với cuộc di cư trong đợt bùng phát thứ nhất, những người hồi hương lần này còn kiệt quệ về tài chính và sức khỏe do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nhiều cuộc khảo sát cho thấy những người di cư gặp khó khăn trong việc tiếp cận phúc lợi xã hội. Trong bối cảnh bệnh viện hết chỗ, thiếu nhân lực, kết quả xét nghiệm mất cả tuần mới có, nguồn cung oxy khan hiếm, ai cũng cảm nhận được cơn bão sắp tới.
Tại một số vùng nông thôn của bang Tây Bengal, nơi các chính trị gia đang tổ chức những cuộc vận động tranh cử, dịch đã bùng phát.
"Rất ít bệnh viện trong khu vực này còn chỗ cho bệnh nhân. Một số từ chối tiếp nhận thêm người bệnh, dù họ có ốm tới mức nào. Tại chỗ làm, tôi thấy số người bị khó thở và có các triệu chứng khác của Covid-19 tăng gấp ba lần", một bác sĩ giấu tên tại một bệnh viện công ở quận Birbhum, thành phố Kolkata, Tây Bengal, nói.
Thống kê chính thức cho thấy các ca nhiễm hàng tháng ở quận Birbhum đã tăng từ 42 trong tháng 2 lên tới 4.762 ca vào ngày 21/4. Vị bác sĩ giấu tên cho biết anh đã báo cáo mọi trường hợp tử vong do Covid-19 tại bệnh viện, nhưng hầu hết bệnh nhân trong khu vực không đến cơ sở y tế của anh.
"Số ca nhiễm trong khu vực của tôi thực tế có thể cao hơn 5 đến 10 lần mức trong báo cáo", bác sĩ này nói.
Bận rộn với cuộc bầu cử, cả chính quyền Thủ tướng Narendra Modi và các đảng đối lập đều không tận dụng thời điểm dịch bệnh lắng xuống vào đầu năm 2021 để chuẩn bị nguồn cung oxy, thuốc men, giường bệnh, theo Manas Gumta, một bác sĩ kiêm tổng thư ký Hiệp hội Bác sĩ Tây Bengal.
"Cơ sở hạ tầng hiện tại không đủ khả năng chống đỡ sức công phá của làn sóng Covid-19 thứ hai. Cách đây ba tháng, chúng ta đều nhận được dấu hiệu cho thấy dịch bệnh sẽ trở lại và gây thiệt hại nặng. Chúng ta đáng nhẽ phải tận dụng thời gian để nâng cấp hạ tầng cơ sở", bác sĩ Gumta nhận xét.
Một trong những thách thức của khu vực nông thôn là sự thiếu nhận thức về độ nguy hiểm của virus. Islam cho biết: "Mặc dù dịch bệnh đang càn quét khắp đất nước, phần lớn người dân nông thôn không ý thức được điều đó. Tại nhiều ngôi làng, 95% dân số vẫn đi đến những điểm công cộng mà không đeo khẩu trang".
Theo Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Ấn Độ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay do đại dịch Covid-19 gây ra, số ca mắc mới được ghi nhận ở mức cao kỷ lục và số ca tử vong vượt 200.000. Các chuyên gia lo ngại số ca mắc thực tế ở Ấn Độ có thể cao gấp 30 lần con số báo cáo, lên hơn nửa tỷ người.
Tính đến ngày 27/4, thế giới ghi nhận khoảng 150 triệu ca Covid-19, trong đó hơn 3,1 triệu người đã tử vong. Đứng thứ nhất về số ca mắc là Mỹ, sau đó là Ấn Độ và Brazil.
Mai Dung (Theo Guardian, Scroll.in)