Câu chuyện xe cá nhân, cụ thể là xe máy xung đột với xe buýt có lẽ được tìm thấy nhiều nhất ở các quốc gia Đông Nam Á.
Trên thực tế, các quốc gia láng giềng như Indonesia, Philippines, Thái Lan... cũng rơi vào tình trạng kẹt xe ở các đô thị như Việt Nam.
Khi mà ôtô, xe buýt, xe máy đi chung, hòa lẫn vào nhau nên sẽ luôn gây ra ùn tắc. Có thể kể vài nguyên nhân như: mật độ dân cư đông, hạ tầng đường sá lạc hậu, người tham gia giao thông ý thức kém.
Để so sánh cùng hệ quy chiếu, tôi xin dẫn trường hợp Indonesia, một quốc gia có nền giao thông tương tự Việt Nam. Jakarta - thủ đô của quốc gia này cũng thường xuyên xảy ra những vụ kẹt xe trầm trọng và họ đã nỗ lực giải quyết bằng nhiều biện pháp, trong đó quan trọng nhất là tách xe buýt nhanh (BRT) ra khỏi xe máy, ôtô.
Hãy nhìn vào ảnh mà tôi dẫn bên dưới, các tuyến buýt nhanh ở Jakarta "đặc quyền" đi làn đường riêng, được tách riêng một mình một cõi bằng dãy phân cách cứng. Trong ảnh, cảnh sát đang chặn một người đi xe máy vì đi trong làn đường dành riêng cho xe buýt.
Từ đầu năm 2004, họ đã thiết lập hệ thống xe buýt nhanh này. Hiện nay, toàn thành phố có khoảng hơn 500 xe hoạt động trong khung giờ từ 5h đến 22h, một số tuyến đặc biệt thì hoạt động suốt ngày đêm. Transjakarta đã phủ tới khắp các khu vực của Thủ đô bao gồm 12 tuyến chính với hơn 200 trạm dừng đón trả khách.
Mỗi xe buýt có thể chở tối đa 80 hành khách, dù chỉ có 30 chỗ ngồi nhưng có khoang đứng khá rộng. Các trạm xe bus ở Indonesia thường được liên thông với nhau bằng những con đường riêng dành cho người đi bộ.
Vậy nên để giải quyết cái vòng luẩn quẩn của xe buýt ở Sài Gòn, Hà Nội, tôi nghĩ trước tiên cần tách xe buýt ra khỏi xe máy giống như Indonesia đã làm.
Muốn cấm xe máy, việc cần thiết là xe buýt phải có làn riêng. Xe buýt phải đi đúng giờ, đúng tuyến để mọi người có thể sử dụng để đi làm, đi học. Ai không dùng xe buýt thì phải chịu tắc đường, nóng, bụi. Ai đi vào làn cho xe buýt thì phạt nặng, thu bằng lái.
>> 'Cho các loại xe khác đi vào làn BRT Hà Nội là một sai lầm'
Tiếp theo đó là cho xe buýt chạy thật khuya để nâng khung thời gian phục vụ người dân đi làm, đi học về trễ, mở rộng độ bao phủ của mạng lưới xe buýt khắp thành phố.
Tôi rất mong được sớm sử dụng phương tiện công cộng tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Nếu đi buýt nhanh hơn xe cá nhân, người dân sẽ chọn đi xe buýt.
Như tôi nói, bước đầu tiên là tách xe máy và xe buýt ra hai làn đường khác nhau, tập cho người dân có thói quen đi xe buýt, sau đó tiến tới việc cấm hẳn xe máy ở trung tâm thành phố. Có như vậy thì chúng ta mới có được tác phong công nghiệp, văn minh.
Ánh Dương
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.