Tôi đã sống ở Mỹ đúng 10 năm. Có những thứ tôi muốn nhận định về vấn đề tàu hỏa ở Việt Nam lúc này:
- Ngay cả nước Mỹ cũng không tìm được những đoàn tàu trên 300 km/h. Những đoạn tàu Amtrak (đoạn tàu đi xuyên qua nhiều thành phố ở California và cũng như một số thành phố lớn ở bang khác) cũng chỉ đi 160 km/h (100 mph) mặc dù được thiết kế lên đến 240 km/h(160 mph).
+Giá vé: 9 đôla cho sinh viên, 14 đôla cho những người còn lại.
+ Có những bữa đi mà tàu 2 tầng, nhưng nguyên cái toa đó chỉ có một mình mình. Chỉ khi giờ cao điểm (6 giờ sáng-9 giờ sáng), hoặc (4 giờ chiều-7 giờ tối) thì mới full được 80%. Đặc biệt chỉ có mỗi tuyến trong các thành phố lớn như Los Angeles- Burbank- Union Station) thì mới được như thế, còn những tuyến khác thì đúng nghĩa một mình một toa.
- Không chở được hàng hóa.
- Đoàn tàu Amtrak được xây từ 1971 nhưng cho tới bây giờ vẫn chưa thu lời được.
Báo cáo năm 2017, doanh thu Amtrak 3,3 tỉ đôla nhưng vẫn lỗ 197.7 triệu đôla tiền vận hành. Bây giờ nói về đoàn tàu 200 km/h hay 350 km/h:
- Lợi của tàu 200 km/h: Chở được người và hàng hóa. Tiền đầu tư dự tính: 20-26 tỉ đôla (xây được trên hệ thống đã có sẵn). Thời gian xây dự tính: 10 năm.
- Lợi của 350 kmh: Kết nối từ những thành phố lớn trong cả nước với tốc độ nhanh hơn. Tiền đầu tư dự tính: 58 tỉ đôla (phải xây cầu trên cao để đi qua khu dân cư phải giữ đường thẳng. Thời gian xây dự tính: 30 năm.
Bây giờ phải nói đến nhu cầu. Dự báo đến 2050 lưu lượng khách tuyến Hà Nội - Vinh là 145.000 người, Vinh - Nha Trang 133.000 người, TP HCM - Nha Trang là 155.000 người. Trong khi đoàn tàu 350 km/h có thể chở đến 364.000 người/ ngày đêm. Lãng phí 60% một ngày đêm. Đây là nói về nhu cầu về người.
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa của Việt Nam thì sao? Suốt nhiều năm nay, tuyến đường sắt khổ 1m như "con trâu già" không thể kéo được nhiều hàng hóa, mỗi ngày chỉ có 8 đôi tàu hàng, mỗi năm tổng sản lượng hàng hóa không vượt quá 2,5 triệu tấn. Sản lượng này không thấm tháp gì so với vận tải đường bộ.
Hiện vận tải bằng đường bộ chiếm thị phần chủ yếu nên theo thống kê của Ngân hàng thế giới, chi phí logistic của Việt Nam chiếm 21% GDP, cao gấp 2 lần Thái Lan, làm cho giá thành hàng hóa cao, mất đi tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Tình hình sẽ càng trở lên nghiêm trọng vì Thái Lan đang có ý định xây dựng mạng đường sắt tốc độ cao và biến Bangkok thành trung tâm logistic của khu vực, hàng hóa của Malaysia và Thái Lan sẽ đi thẳng từ các nước của họ đến vùng tây nam Trung Quốc.
Người Việt Nam tiền thì không có nhưng lúc nào cũng phải cái gì đắt nhất, tốt nhất, nhanh nhất. Các bạn lúc nào cũng than vừa sinh ra đã phải gánh nợ, nhưng lúc đầu tư 20 tỉ USD hay 59 tỉ USD thì lại chọn hàng đắt tiền vì các nước khác đã có. Lạ lùng vậy?
Cái mình đầu tư phải là nhu cầu cùng với điều kiện cần và đủ. Mình có cần phải chuyển người không? Tốc độ bao nhiêu là vừa? Các nước Châu Âu hay Trung Quốc to rộng và đi xuyên qua bao nhiêu nước?
Mình có cần phải nâng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa không? Có cần phải đầu tư đôi để nâng cấp khổ 1 m lên 1.445m và 350 km/h hay nâng cấp toàn tuyến lên 1.445 m để vận chuyển hàng hóa và người?
Cái quan trọng nhất là việc bảo dưỡng chứ không hẳn là vận hành. Ví dụ các đoàn tàu cao tốc 350 km/h hư thì chúng ta hoặc phải gửi lại các xí nghiệp nước ngoài, hoặc phải nhập khẩu những bộ phận đắt tiền (giống như các hãng xe Đức là 1 ví dụ, xe volkswagen có khi rẻ ngang với Toyota, nhưng tiền thay bộ phận rất đắt).
Nếu làm đường sắt cao tốc (350 kmh) thì chi phí sẽ rất lớn, gây gánh nặng cho nền kinh tế. Hiện Nhà nước đầu tư cho ngành giao thông hơn một tỷ USD mỗi năm, nếu tổng mức đầu tư của dự án là 58 tỷ USD, dự kiến tiến hành trong 30 năm, thì mỗi năm Việt Nam cần gần 2 tỷ USD đầu tư dành cho dự án đường sắt cao tốc. Không lẽ Việt Nam phải đình hoãn nhiều dự án giao thông khác để nhường lại nguồn lực cho đường sắt cao tốc. Mặc khác, từ thực tế việc xây dựng đường sắt đô thị có cấp kỹ thuật thấp so với đường sắt cao tốc mà chúng ta còn gặp khó khăn trong thời gian qua, thì chắc chắn với đường sắt cao tốc Việt Nam chưa đủ sức tiếp cận, sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài; tất yếu các doanh nghiệp Việt Nam bị gạt ra khỏi cuộc chơi.
Trong khi đó, cái chính là các công ty doanh nghiệp Việt Nam phải có được cơ hội để họ làm việc, mài dũa các kinh nghiệm để họ làm chủ. Ngay cả việc đóng tàu 200 km/h chúng ta cũng có thể tự làm và sản xuất được, giảm được bao nhiêu giá thành, mà còn nâng được tay nghề của chính nhân công Việt Nam. Lúc nào các bạn Việt Nam cũng cho rằng tại sao các công ty Việt Nam không có tay nghề, hay là yếu năng lực? Bởi vì các bạn có cho tôi cơ hội để làm việc đâu.
Giống như tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee khi quyết định xây dựng con đường cao tốc nối liền Busan với Seoul. Sau khi tham khảo của các công ty Nhật Bản, Lee Chung Ju- người sáng lập tập đoàn Huyndai đã nói đừng cố tìm nhà thầu có kinh nghiệm mà hãy củng cố kinh nghiệm cho chính mình và đã quyết định giao 100% cho các nhà thầu trong nước. Cứ nghĩ đây là đường sắt huyết mạch của quốc gia mà toàn nhà thầu nước ngoài thì đúng là chúng ta quá tệ. Ngừng suy nghĩ việc nhà nghèo mà phải mua xe Mercedes cho bằng với nhà triệu phú đi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.