Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh về việc xử lý đối với công dân trong độ tuổi nhập ngũ, nhưng cố tình xăm hình nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, Bộ Quốc phòng cho biết thời gian qua một số công dân cố tình xăm hình, chữ lên cơ thể trước thời điểm khám tuyển để trốn tránh nghĩa vụ. Để nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, Bộ Quốc phòng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng và Hội đồng nghĩa vụ quân sự làm tốt công tác quản lý, đăng ký nghĩa vụ quân sự và tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ.
Ngoài thực hiện đúng quy định trong tuyển chọn, các cơ quan cần vận động, giáo dục kết hợp với bắt buộc tẩy xóa hình xăm, chữ xăm; nếu cố ý vi phạm thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật hoặc buộc phải cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Cơ quan quân sự địa phương sẽ phối hợp với lực lượng công an cùng cấp và Hội đồng khám sức khỏe xem xét, phân loại tính chất từng hình xăm, chữ xăm, không để công dân lợi dụng việc này hoặc các hành vi gian dối, làm sai lệch kết quả khám sức khỏe và các hành vi khác để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Hôm 5/11, Bộ Quốc phòng đã ban hành hướng dẫn về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2021, trong đó nêu rõ "nếu hình xăm, chữ xăm dưới da ở vị trí lộ diện, nhưng diện tích nhỏ, không ảnh hưởng đến lễ tiết tác phong quân nhân, xây dựng chính quy, môi trường văn hóa quân đội thì vẫn được xem xét gọi nhập ngũ".
Trước đó tháng 4/2016, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch số 50 quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Khoản 9, Điều 5 Thông tư quy định không tuyển chọn nhập ngũ những trường hợp "trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kỳ dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở những vị trí lộ diện, như: mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên".