Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ qua đời ở tuổi 86, tại Hà Nội, vì bệnh tuổi già. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều khán giả đăng video, lời bài hát Xa khơi thay lời tiễn biệt. Khán giả Hậu Thanh (47 tuổi, Hà Nội) viết trên Facebook: "Bài hát luôn mang tới cảm xúc da diết, thương nhớ trong tôi mỗi khi nghe. Nhạc sĩ đã 'xa khơi' nhưng nhạc phẩm của ông sẽ còn mãi, trong lòng người yêu nhạc".
Nguyễn Tài Tuệ viết ca khúc năm 1961, hoàn thành năm 1962 và tham gia cuộc vận động sáng tác về đề tài thống nhất đất nước. Nhạc sĩ lấy cảm xúc từ chuyến đi thực tế ở vùng giới tuyến Quảng Trị ba năm trước. Gần một tháng sống ở bên này sông Bến Hải, ông cảm nhận rõ ràng nỗi đau chia cắt. Đó là hình ảnh vợ ngóng chồng, ông ngóng cháu, đôi trai gái đứng hai bên bờ gọi nhau mỗi khi chiều tới. "Nhìn con cá nục, cá măng tung tăng bơi lội giữa hai bên, tôi tự hỏi sao con người lại bị ngăn cách. Tôi lấy khát vọng thống nhất đất nước làm chủ đề bài hát", ông từng nói. Tám tháng sau, ca khúc hoàn thành, được nhạc sĩ đặt tên Xa khơi, diễn tả sự hư vô của khung cảnh chia ly bấy giờ.
Nhạc sĩ kết hợp âm hưởng dân gian từ những điệu thức của ví, giặm, hò trên sông... với kỹ thuật hiện đại tạo nên giai điệu da diết, trữ tình. Ca từ ẩn dụ, giàu tính văn học, cảm xúc, gợi sự liên tưởng cho người nghe.
"Nắng tỏa chiều nay
Chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi
Gió lộng buồm mây ươm chân trời
Biển lặng sóng thuyền em dong khơi..."
Phần đầu bài hát chậm rãi, ngân vang như lời tâm tình của cô gái gửi người yêu trong hoàn cảnh đôi bờ giới tuyến. "Biển lặng", "buồm mây"... diễn tả không gian yên bình nhưng rất đỗi mênh mông, vô định. Từng câu chữ "con nục, con măng, lướt sóng liệng đôi bờ tung tăng", "con chuồn còn bay nơi nơi" tạo nên tầng hình ảnh về khát vọng tự do.
"Ơi phong ba lướt xô mái chèo ta xa bờ
Phong ba sóng cồn lòng ta luôn mong chờ
Kề vai bên nhau nắng biển cùng mưa nguồn
Kề vai bên nhau em kề bên anh thương"
Tiết tấu dồn dập, mạnh mẽ dần ở phần hai, tựa như từng đợt sóng xô vào bờ. Nhạc sĩ cho biết biển tưởng như yên bình nhưng bên dưới là từng đợt sóng ngầm đang trỗi dậy. Mọi người phải trải qua nhiều khó khăn để vượt qua bão táp cuộc đời, thống nhất hai miền. Về cuối, giai điệu chậm dần, tạo nên tính thống nhất cho tác phẩm. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từng khẳng định: "Qua Xa khơi, từ xưa đến nay chưa từng có ai phát triển ví, giặm tốt như Nguyễn Tài Tuệ".
"Biển rộng ơi, biển chung tình
Biển nói lên giùm bao ngày thương nhớ, biển ơi
Nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay..."
Lời bài hát không nhắc đến chiến tranh, cổ động tinh thần chiến đấu nên ban đầu, Xa khơi gần như bị loại. Nhạc sĩ từ chối sửa lời. Sau đó, ban giám khảo đề nghị phát ca khúc trên Đài tiếng nói Việt Nam lấy ý kiến thính giả. Không ngờ, nhạc phẩm qua giọng hát nghệ sĩ Tân Nhân (Hoàng My đệm piano) được mọi người yêu thích. Tác phẩm sau đó đoạt giải nhì chung cuộc, cuộc thi không có giải nhất. Tuy nhiên, phải đến năm 1975, Xa khơi mới phổ biến rộng rãi.
Sau này, Nguyễn Tài Tuệ sửa một chữ trong bài hát. Lần đó, Anh Thơ đến gặp nhạc sĩ để chuẩn bị cho chuyến biểu diễn nước ngoài. Khi hát tới câu "Lướt sóng liền đôi bờ tung tăng", ông ra hiệu ngừng, yêu cầu sửa "liền" thành "liệng". Ca sĩ thắc mắc vì hát đúng bản gốc, ông giải thích: "Liệng mang sức nặng biểu cảm, mỹ cảm, vừa có đường nét mạnh mẽ hòa quyện với sông nước, lại hợp với ngôn ngữ miền Trung".
Nhạc phẩm được viết riêng cho giọng nữ cao nên chỉ có các ca sĩ nữ thể hiện như: Tân Nhân, Tường Vi, Thanh Huyền, Lê Dung, Anh Thơ, Tân Nhàn, Quỳnh Vân... Nhạc sĩ tâm đắc phiên bản của nghệ sĩ Tân Nhân. Ông cũng chính là người tập từng câu, giải nghĩa từng lời để ca sĩ có cảm xúc thể hiện. "Ai hát sáng tác của tôi, tôi cũng quý, nhưng với Xa khơi thì chưa ai qua được Tân Nhân. Cô ấy hát có hồn, có nội tâm, có cái chung và cái riêng, nghĩa là có tâm sự, có nỗi lòng", nhạc sĩ từng nói.
Hiểu Nhân