Ngày 27/11/2014 tại Paris (Pháp), kỳ họp thứ chín của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Là hai lối hát dân ca không nhạc đệm, dân ca ví, giặm do cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay đã được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật như lúc ru con, khi làm ruộng, quay tơ, dệt vải... Các lối hát được gọi tên theo hoạt động như: ví phường cấy, ví phường vải, ví đò đưa, dặm ru, giặm kể, giặm vè...
Loại hình văn các hoá dân gian này tồn tại bằng hình thức truyền khẩu. Theo thống kê, ở Nghệ An và Hà Tĩnh hiện có 803 nghệ nhân lưu giữ, truyền dạy dân ca ví, dặm. Hai tỉnh này cũng đã lập hồ sơ đề nghị Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho 12 nghệ nhân và đang tiếp tục đề nghị phong tặng cho 12 người khác, đồng thời đưa ra các chính sách đãi ngộ, động viên.
Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, GS.TS Tô Ngọc Thanh, bày tỏ rằng, sự khó khăn trong bảo tồn dân ca ví, giặm ngoài kinh phí, còn phải chú trọng vai trò của cơ quan quản lý.
Chia sẻ với VnExpress, ông Bùi Đức Hạnh, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: "Ngay sau khi UNESCO ghi danh, việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm đã được hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. Đây là mốc quan trọng đánh dấu sự vươn tầm thế giới của dân ca ví, giặm. Nhưng bài toán đặt ra là giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá của di sản thế nào cho hợp lý bởi công tác bảo tồn cần có sự chăm lo không chỉ của đội ngũ lãnh đạo mà cả sự chung tay của cộng đồng".
Do tồn tại với hình thức truyền khẩu, công tác bảo tồn dân ca ví, giặm gặp khó khăn. Thời gian qua hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã nỗ lực nhưng vẫn chưa có sự sưu tầm đầy đủ, bài bản về các lời hát, điệu hát cổ, nhất là ở những nghệ nhân lớn tuổi.
"Ta cần có những hình thức lưu trữ, tư liệu hoá bằng hình ảnh, âm thanh", ông Hạnh trăn trở đồng thời cho rằng, ngày nay, không gian trình diễn ví, giặm cần vận động theo thời cuộc dù chủ thể của di sản là nhân dân bất di bất dịch. Như thế, bảo tồn dân ca ví, giặm cần tuân thủ một nguyên tắc là "trả dân ca về đúng chủ thể của dân ca là những người dân lao động".
Theo ông Hạnh, cần sân khấu hoá, dựng lại không gian diễn xướng cho chủ thể - những người hát dân ca thêm thăng hoa và mang lại hiệu quả cao trong bảo tồn di sản. "Nếu sử dụng mãi những câu hát ví, giặm cũ thì môn nghệ thuật dân gian này sẽ thiếu sức hút. Chúng ta cần khai thác những giá trị truyền thống của dân ca ví, giặm gắn với những chủ đề của đời sống hiện đại, trong đó có thể sáng tạo ra những làn điệu dân ca mới", ông nói.
Đề cập tới hướng bảo tồn di sản, thời gian tới tỉnh Hà Tĩnh sẽ đầu tư một nguồn kinh phí lớn để khôi phục các điệu hát cổ, không gian văn hóa, môi trường diễn xướng. Nghiên cứu, thể nghiệm sân khấu hóa dân ca, trên cơ sở bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của di sản.
Bên cạnh đó, để dân ca ví, giặm thực sự lôi cuốn giới trẻ, tỉnh Hà Tĩnh cũng tổ chức các hình thức truyền dạy trực tiếp cho các học viên Câu lạc bộ, đồng thời dạy dân ca ví, giặm trong trường phổ thông. Ngoài ra, duy trì chương trình dạy hát dân ca trên sóng phát thanh và truyền hình ở Nghệ An và Hà Tĩnh... cũng là một trong số hình thức quảng bá và phổ biến giá trị của dân ca ví, giặm tới đông đảo công chúng.
Đức Nguyên